Nhiều nỗ lực và cố gắng
Sáng 10/12, kỳ họp thứ 29 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, bước sang ngày làm việc thứ 2.
Tại kỳ họp này, cùng những nội dung khác quan trọng khác, chính quyền Quảng Ngãi cũng nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến gần 3000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công năm 2024, không thể giải ngân theo kế hoạch đề ra.
Chính quyền tỉnh cho biết ngay từ đầu năm, đã có những chỉ đạo quyết liệt cho chủ đầu tư và cấp ngành liên quan, xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình nhằm tăng tốc giải ngân vốn năm 2024, có thể đạt mức cao nhất.
Đến nay, từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 200/265 công trình, dự án (chưa bao gồm các dự án thuộc các Chương trình MTQG).
Và trong số này, những dự án và công trình lớn, quan trọng, có tính lan tỏa đã được đầu tư hoàn thành từ nguồn ngân sách địa phương (179/232 dự án), như cầu Cửa Đại (cầu Cổ Luỹ); đê kè Hòa Hà; đường Trì Bình – Cảng Dung Quất (giai đoạn 1)…
Đối với nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương (13/25 dự án), đáng chú ý là công trình Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh Quảng Ngãi – Chợ Chùa, Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn (giai đoạn 2), dự án Trung tâm y tế Quân – Dân Y kết hợp huyện Lý Sơn.
Hoàn thành đưa vào sử dụng 8/8 dự án được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo đúng theo tiến độ…
Theo đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh, giữ vững an ninh trật tự và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nhưng “lực bất tòng tâm”
Mặc dù nỗ lực, cố gắng và tích cực trong chỉ đạo và triển khai ngay từ đầu năm, với những kết quả đã đạt được nêu trên, nhưng chính quyền Quảng Ngãi thẳng thắn nhìn nhận, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh, không thể đạt kế hoạch đề ra.
Cụ thể dự kiến hết niên độ ngân sách năm 2024, Quảng Ngãi ước chỉ đạt khoảng 57% kế hoạch vốn giao, số còn lại không có khả năng giải ngân là rất lớn (gần 3000 tỷ đồng).
Dẫn đến kết quả này, về nguyên nhân khách quan, theo chính quyền Quảng Ngãi, do tình hình nội tại của tỉnh những tháng đầu năm 2024, phát sinh những khó khăn, nhất là biến động nhân sự lãnh đạo chủ chốt, đã ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Các địa phương chậm xác định giá đất cụ thể, giá đất tái định cư để lập, trình phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…thực hiện GPMB, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Cụ thể hiện có hơn 30 dự án bị vướng GPMB rơi vào tình cảnh trên và trong số này, hầu hết là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, trải dài trên địa bàn nhiều huyện, thị xã, thành phố.
Việc triển khai Luật đất đai năm 2024 còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc lâu nay về xác định nguồn gốc đất, người dân không chịu nhận tiền bồi thường và không giao đất, gây cản trở việc thi công…
Một khó khăn khác, đó là kế hoạch vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất, mà Trung ương giao cho tỉnh Quảng Ngãi quá cao so với khả năng thực tế, ảnh hưởng đến công tác điều hành đầu tư công của tỉnh.
Cụ thể dự kiến nguồn thu thực tế của tỉnh chi đạt 15,6% kế hoạch giao, trong khi kế hoạch vốn này không thể điều chỉnh giảm (số vốn thực mà Quảng Ngãi có thể cân đối cho các nhiệm vụ, dự án được giao kế hoạch nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2024 khoảng 1.500 tỷ đồng/2.600 tỷ đồng; còn lại khoảng 1.100 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng kế hoạch vốn của tỉnh, không có khả năng cân đối).
Về nguyên nhân chủ quan, chính quyền Quảng Ngãi cũng nêu rõ, công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư chưa chủ động, thiếu quyết liệt; còn tâm lý e dè, sợ sai và chưa mạnh dạn tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, tham mưu chưa đạt yêu cầu về chuyên môn; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao có lúc, có nơi còn chậm trễ và thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Năng lực quản lý điều hành của một sổ chủ đầu tư, BQL dự án chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao; giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong bồi thường GPMB còn chậm, chưa quyết liệt.
Các sở, ngành chưa chủ động trong việc nghiên cứu, tiếp cận sớm các quy định mới của Trung ương, đề tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền, nhằm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn có liên quan….