Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu có thời điểm giảm 0,5%, trong đó cổ phiếu thực phẩm và đồ uống chứng kiến mức giảm sâu nhất với 1,7%.
Thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương cũng chìm trong sắc đỏ, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,2%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,7% và CSI 300 của Trung Quốc giảm 0,7%. Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 mất chuỗi 8 ngày tăng liên tiếp khi giảm 0,8% trong lúc chỉ số Nasdaq Composite và Dow Jones Industrial Average lần lượt “bốc hơi” 0,9% và 0,6%.
Trước đó 1 ngày, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định ông và giới hoạch định chính sách cảm thấy phấn chấn khi lạm phát đang có xu hướng chậm lại, song họ không chắc liệu đã hành động đủ quyết liệt để bảo đảm xu hướng này được duy trì hay chưa.
Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu giảm điểm sau khi FED tuyên bố để ngỏ khả năng tăng lãi suất. Ảnh: REUTERS
“Ủy ban Thị trường mở Liên bang cam kết kiểm soát chính sách tiền tệ đủ chặt để hạ lạm phát về mức 2%. Chúng tôi không tự tin rằng đã đạt được một chính sách như vậy” – ông Powell phát biểu tại một hội nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế ở Washington.
Theo đài CNBC, lạm phát ở Mỹ hiện đã thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng vẫn ở ngưỡng cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn của FED.
Trong đợt thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980, FED nâng lãi suất 11 lần liên tiếp, nhắm mục tiêu nâng lãi suất cơ bản từ mức gần 0% lên mức 5,25%-5,5%.
“Chủ tịch FED đã đưa ra một lời cảnh báo dành cho các nhà đầu tư đang quá kỳ vọng về những đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới” – chuyên gia kinh tế Jeffrey Roach của Công ty LPL Financial (Mỹ) nói, đồng thời khẳng định FED chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu lạm phát tăng phi mã trở lại.