Tay em làm giấy cho người viết thơ
Từ cánh đồng làng An Bình có một con hói (1) hình thành, ngày một lớn, chảy quanh co qua các làng xã, rồi xuôi về Sòng (nên đoạn cuối được gọi là hói Sòng), con hói chảy len lỏi và cuối cùng hội tụ vào sông Hiếu. Ở bờ nam của hói Sòng, thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ là làng Phổ Lại với nghề truyền thống lâu đời, có hơn bốn thế kỷ làm giấy. Nghề làm giấy ở làng Phổ Lại nổi tiếng đến mức dân trong vùng có khi quên luôn tên chữ của làng mà thường gọi là làng Phường Giấy.
Nghề làm giấy truyền thống.
|
Theo các cụ truyền lại, nghề làm giấy ở làng Phổ Lại có được là do những lưu dân ở làng Tuy Lộc (Quảng Bình) di dân vào đây sinh sống, lập nghiệp và truyền nghề. Lúc mới vào định cư, họ lấy tên làng là Tuy An, cái tên vừa mang gốc gác của quê cha đất tổ vừa cầu mong sự an lành với cuộc sống sung túc, ổn định trên vùng đất mới. Làng Tuy An nằm phía bắc hói Sòng. Sau đó, làng Tuy An đã sáp nhập chung vào làng Phổ Lại.
Nghề làm giấy là một nghề vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn vừa tỷ mẩn vừa nặng nhọc, đòi hỏi kỹ thuật khá công phu. Bên cạnh chất lượng của nguyên liệu để làm ra sản phẩm thì sự chu tất, nghiêm khắc, cẩn trọng của người thợ trong từng công đoạn cũng chính là bí quyết để làm nên thương hiệu làng giấy Phổ Lại. Nguyên liệu chính để làm giấy là vỏ cây dó hoặc vỏ cây dưới. Trong đó, vỏ cây dó vẫn là nguyên liệu tốt và thường được người sản xuất giấy chú trọng hơn. Cây dó là loại cây gỗ, thân cứng và có lớp vỏ khá dày. Khi khai thác các loại vỏ cây dó, người ta thường bóc, tách để lấy phần vỏ, ít khi phải chặt hạ cả cây vì vỏ cây dó nhanh hồi phục để cho tiếp đợt khai thác lần sau. Loại cây này thường mọc ở các vùng đồi, núi phía tây Quảng Trị. Đồng bào Vân Kiều, Tà Ôi khai thác, thu gom các loại vỏ cây trên đưa về bán ở chợ Phiên Cam Lộ, chợ Sòng. Sau này, khi nghề làm giấy phát triển mạnh và trở nên nổi tiếng thì một số làng ở vùng Cam Lộ đã trồng các loại cây dó, cây dưới để cung cấp nguyên liệu cho nghề làm giấy làng Phổ Lại.
Vỏ cây dó, cây dưới sau khi mua về cần ngâm nước cho mềm khoảng hai ngày, sau đó vớt ra ngâm với vôi trong (phần nước lắng trong phía trên của vôi hòa tan), bó vỏ dó thành những bó nhỏ để nhúng vào nước vôi đặc trong các chum, ang, vại lớn. Từ đó xếp vỏ dó vào các vạc, nồi lớn và đun sôi chừng 5- 7 canh giờ, sao cho vỏ dó chín nhừ là được. Lúc vỏ dó đã mềm thì vớt ra rửa sạch nước vôi. Làm bìa là công đoạn nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỷ, đây làm một khâu quan trọng quyết định chất lượng của giấy sau này. “Ai ơi đứng lại mà trông/ Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa” (Ca dao). Làm bìa là lột lớp vỏ lụa màu xanh phía ngoài vỏ dó. Sau khi làm bìa, phần ruột trắng phía trong của vỏ dó lại được tiếp tục ngâm với nước vôi cho thật bở để đưa vào cối giã. Phần vỏ lụa màu xanh phía ngoài cũng được dùng làm giấy moi, đó là loại giấy thô, chứa nhiều xơ dùng để gói hàng hóa và cung cấp cho các làng nghề làm quạt giấy.
Giã vỏ dó là công việc nặng nhọc, đòi hỏi người có sức khỏe tốt nên thường được nam giới đảm nhận. “Giã nay rồi lại giã mai/ Đôi chân tê mỏi dó ơi vì mày!/ Seo đêm rồi lại seo ngày/ Đôi tay nhức buốt vì mày dó ơi!/ Giã nay rồi lại giã mai…” (Ca dao). Quá trình giã sẽ làm cho vỏ cây dó xơ, tơi ra để lại bột dó. Giã đến khi bột dó dẻo, quấn chặt vào đầu chày thì lấy ra và tiếp tục giã cối khác. Bột dó sẽ được đãi sạch chất bẩn, các loại cặn bã, sau đó đưa vào chum, vại ngâm với nước sạch, đánh cho nhuyễn và có độ kết dính. Từ xa xưa, người dân làng Phổ Lại đã biết dùng chất dẻo từ vỏ cây bời lời để pha chế, đến khi hỗn hợp bột dó trắng nhuyễn và có độ kết dính vừa phải thì đưa vào seo giấy. Seo giấy (tráng giấy) là công đoạn nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo, tỷ mẩn. Khuôn seo được làm bằng gỗ hoặc bằng các thanh tre thẳng đóng ghép với nhau thành hình chữ nhật hoặc hình vuông và thường có kích thước như khổ giấy cần làm. Trong khuôn seo có liềm seo, là những tấm mành mỏng được đan bằng tre. Khi seo giấy, người thợ đổ dung dịch bột dó vào khuôn seo, cầm khuôn seo nghiêng qua nghiêng lại làm sao cho bột dó phải tráng một lớp mỏng và đều trên liềm seo. Khi nhấc khuôn seo, nước trong sẽ tự chảy còn lại một lớp bột giấy mỏng tráng kết đều trên liềm seo. “Tàu seo nước giá như đồng/ Tay đưa liềm giấy mà lòng nhớ ai/ Nhớ người tuổi ngoại đôi mươi/ Da xanh mai mái nụ cười đưa duyên” (Ca dao). Seo giấy xong xếp thành từng chồng ngay ngắn, ép thật kỹ bằng phương pháp đè chặt, sau đó xếp gỡ ra từng tờ và hong khô, lúc này sẽ có tờ giấy.
Tùy vào chất lượng vỏ cây dó cùng các thao tác kỹ thuật như: ủ, giã, đãi chất bẩn, seo… trong các công đoạn làm giấy để có được chất lượng thành phẩm. Nếu vỏ dó non, các công đoạn và thao tác kỹ thuật làm đúng và đạt yêu cầu thì tờ giấy sẽ trắng, mịn và dai. Các loại giấy tốt dùng để viết chữ, các loại không đạt yêu cầu thì cung cấp cho các làng nghề làm quạt giấy, làm hàng mã hay gói hàng hóa ở các phiên chợ.
Làm giấy theo kỹ thuật nghề truyền thống.
|
Làng Phổ Lại được hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XVI. Nằm giữa chợ Phiên và chợ Sòng- hai trung tâm thương mại nổi tiếng sầm uất của Quảng Trị có từ xưa, lại ở sát các trục đường thủy, bộ nên sản phẩm giấy của làng Phổ Lại không chỉ phục vụ cho nhu cầu tự cung, tự cấp mà đã trở thành hàng hóa trao đổi, buôn bán khắp vùng. Vào thế kỷ XVIII, chợ Phiên Cam Lộ đã ghi nhận mặt hàng giấy của làng Phổ Lại được bán buôn rộng rãi ở chợ Phiên. Giấy Phổ Lại nức tiếng một thời, không chỉ bán buôn đi khắp ở các vùng miền đất nước mà còn từ chợ Phiên xuất ngoại qua Lạc Hoàn (Thái Lan), Vạn Tượng (Ai Lao). Người làng Phường Giấy vẫn còn truyền tụng câu ca dao đầy tự hào: “Người ta buôn vạn bán ngàn/ Em đây làm giấy cơ hàn vẫn tươi/ Dám xin nho sỹ chớ cười/ Tay em làm giấy cho người viết thơ”.
Ngày nhỏ, đi học tiểu học, tôi hay đi qua làng Phổ Lại vì ở đây có nhiều cây tàu giác mọc bên đường làng, học trò hái ăn trái tàu giác bùi bùi, thơm ngái. Lúc đó, làng Phổ Lại vẫn còn làm giấy nhưng đã vào xế chiều. Sau năm 1975 thì nghề làm giấy ở đây không còn nữa. Tiếc cho một làng nghề lừng danh, một nghề vàng son nay đã đi vào quá vãng…
(1) Hói: Nhánh sông con rất nhỏ, hẹp, hình thành tự nhiên hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước (Từ điển Tiếng Việt 2002- Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng 2002, tr.454).
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh