Động thái này được đưa ra trong bối cảnh rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế gia tăng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thêm thuế quan, gây biến động cho thương mại toàn cầu.
Cơ quan Tiền tệ Singapore dự báo lạm phát cơ bản – không bao gồm chi phí đi lại và chỗ ở cá nhân – sẽ đạt mức trung bình từ 0,5% đến 1,5% trong năm 2025.
Con số này phản ánh kỳ vọng rằng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình sẽ tăng chậm hơn so với dự báo ban đầu.
Cơ quan trên cũng cảnh báo rằng, là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Singapore đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự giảm tốc của thương mại khu vực và toàn cầu.
MAS cho biết: “Do Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại và hội nhập sâu sắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nên thương mại toàn cầu và khu vực đang chậm lại cũng như sự gia tăng bất ổn về chính sách sẽ gây áp lực lên các lĩnh vực hướng ra bên ngoài, có thể lan sang những lĩnh vực hướng đến trong nước.
Triển vọng kinh tế của Singapore đang chịu nhiều rủi ro tiêu cực do những đợt biến động của thị trường tài chính và nhu cầu cuối cùng ở nước ngoài giảm mạnh hơn dự kiến”.
Các nhà phân tích cho biết sự gián đoạn thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan lúc có lúc không của ông Trump có khả năng khiến nền kinh tế xuất khẩu của Singapore chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với mức thuế 10% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Thủ tướng Lawrence Wong đã cảnh báo rằng, mặc dù mức thuế tương đối thấp hơn, tăng trưởng kinh tế của Singapore trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và có thể đẩy nước này vào suy thoái.
Động thái của MAS đã được dự đoán rộng rãi. Các nhà phân tích tin rằng động thái này có thể giúp hạn chế sự gia tăng gần đây về sức mạnh của đồng SGD và giảm bớt một số tác động về giá đối với hàng xuất khẩu từ mức thuế quan mới.
Đồng SGD đã tăng 1% so với đồng USD vào ngày 11/4, đưa mức tăng kể từ đầu năm 2025 đến nay lên 3,1% so với đồng bạc xanh.
Không giống như hầu hết các ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới sử dụng lãi suất để kiểm soát lạm phát, công cụ chính sách ưa thích của MAS là giá trị thương mại của đồng SGD, còn được gọi là tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu quả (S$Neer).
Việc nới lỏng S$Neer mới nhất diễn ra sau một động thái tương tự được thực hiện vào đầu năm nay khi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế nổi lên.
Trong khi đồng tiền yếu hơn có thể hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, nó sẽ có tác động ngược lại đối với ngân sách của người Singapore có kế hoạch đi du lịch nước ngoài hoặc chuyển tiền học phí và chi phí sinh hoạt cho con cái họ đang học tại các trường đại học ở nước ngoài.
Kể từ đầu năm 2025 đến nay, mặc dù tăng so với USD song đồng SGD đã giảm khoảng 5,6% so với đồng Yen Nhật và 5,5% so với đồng Euro. Tuy nhiên, đồng SGD đã tăng 1,1% so với đồng bảng Anh tính đến thời điểm hiện tại và tăng 2% so với đồng Ringgit Malaysia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!