Rủi ro hợp đồng trường quốc tế
Để lấy kinh phí hoạt động, nhiều trường tư thục, trường quốc tế thực hiện chiêu sinh theo hình thức ký hợp đồng vay với phụ huynh và rủi ro phát sinh từ đây.
Tùy theo giá trị hợp đồng, học sinh sẽ được miễn toàn bộ học phí hoặc một phần trong suốt quá trình theo học. Tuy nhiên, cũng từ những hợp đồng này, nhiều cạm bẫy khi 1 trong 2 bên không thực hiện như ký kết.
Lùm xùm kéo dài
Sự việc lùm xùm tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) là một ví dụ, khi trường phải thông báo cho học sinh (HS) nghỉ học vì giáo viên (GV) ngừng dạy. Chủ trường cho biết gặp khó khăn về tài chính nghiêm trọng.
Trường Quốc tế Mỹ vắng bóng học sinh sáng 19-3
|
Chiều 19-3, trao đổi với phóng viên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết sau sự việc AISVN bất ngờ cho HS nghỉ học, trong thẩm quyền và khả năng, Sở GD-ĐT thành phố sẽ giải quyết tối đa nhu cầu học tập của HS.
Theo kế hoạch, Sở GD-ĐT TP HCM mời bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT AISVN, chiều 19-3 đến làm việc nhưng bà Út Em chỉ cử đại diện đi thay. Theo ông Minh, Sở GD-ĐT thành phố có nhận được nhiều đơn phản ánh của phụ huynh Trường AISVN. Tuy nhiên, một số nội dung phản ánh trong đơn nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của Sở GD-ĐT, chẳng hạn như vấn đề giao dịch, hợp đồng vay vốn, đầu tư giữa phụ huynh và trường.
Trước đó, trong ngày 18-3, khoảng 1.400 HS trường này đã phải nghỉ học. Lý do được thông báo để tập trung giải quyết vấn đề nhân sự, tài chính của trường. Trong khi đó, chủ trường cho biết gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, đang nợ 1,5-2 tháng lương, bảo hiểm của GV, nhân viên. Dù thông báo mở cửa trường vào ngày 19-3 nhưng nhiều GV của trường không đi dạy, việc học của HS tiếp tục bị gián đoạn. Một số phụ huynh cho biết họ đưa con đến trường nhưng phải ngồi ở căng-tin vì không có GV dạy.
Sự việc này xảy ra từ giữa tháng 9-2023, khi một số phụ huynh của trường đã tụ tập căng băng-rôn yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị trường là bà Út Em trả nợ. Nguồn cơn của sự việc trên xuất phát từ vấn đề mâu thuẫn trong khi giải quyết các khoản nợ liên quan đến hợp đồng vay tiền để đầu tư giáo dục. Cụ thể, nhiều trường hợp phụ huynh khi cho con theo học tại trường được tư vấn nếu phụ huynh cho nhà trường vay một số tiền thì HS sẽ được miễn học phí trong suốt quá trình theo học tại trường. Nhiều phụ huynh sau đó đã ký hợp đồng, có người ký hợp đồng trị giá lên đến nhiều tỉ đồng và không tính lãi suất trong suốt thời gian HS theo học tại trường. Thời hạn hợp đồng được tính từ ngày 2 bên ký hợp đồng cho đến khi HS hoàn thành khóa học hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường. Sau khi hợp đồng chấm dứt, trường sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền mà các phụ huynh đã cho trường vay.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp HS đã tốt nghiệp lớp 12 và hoàn thành chương trình học tại AISVN, đến thời hạn hoàn trả tiền theo hợp đồng nhưng trường chưa thực hiện, trong khi đó, việc liên lạc với người đại diện rất khó khăn.
Theo công bố của nhà trường thời điểm đó, trường thừa nhận có ký hợp đồng vay với một số phụ huynh và đến nay chưa hoàn tiền lại, lý do được đưa ra là tình hình kinh tế khó khăn và xin gia hạn việc chi trả.
Vì đâu nên nỗi?
Một chuyên gia giáo dục phân tích, sự việc xảy ra ở AISVN không chỉ là câu chuyện giáo dục, mà còn là câu chuyện pháp lý. Từ đó, quy tắc hoạt động của những trường này cần phải rõ ràng, cụ thể hơn. Bản chất của sự việc tại AISVN tương tự việc phụ huynh đi gửi tiền ở ngân hàng. Thay vì nhận lãi suất thì số tiền đó được trừ vào học phí. Hết thời hạn gửi (khi HS ra trường) thì lấy ra. Tuy nhiên, vì những tình huống bất khả kháng, trường gặp khó khăn về tài chính thì số tiền đã cho vay có nguy cơ mất trắng. “Sở, ngành nào phụ trách lĩnh vực này? Bởi một khi 2 bên đã ký hợp đồng liên quan đến vay không còn là sự việc ngành GD-ĐT quản lý” – vị này cho biết.
Tương tự là việc sụp đổ của hệ thống Anh ngữ Apax Leaders tại TP HCM. “Dù phụ huynh đóng số tiền nhỏ hơn nhưng khi trung tâm tư vấn đóng học phí trọn khóa sẽ được giảm giá thì phụ huynh cũng vì phần giảm giá đó mà chấp nhận đóng phí. Đến khi rủi ro xảy ra thì không lấy được tiền” – chuyên gia này cho biết.
Bàn ở góc độ giáo dục, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng hiện nay, cả trường công và trường tư đều song hành phát triển. Trong đó, việc các trường tư thục phát triển mạnh đã, đang san sẻ gánh nặng quá tải cho trường công lập. Do đó, ông thường tư vấn cho phụ huynh rằng nếu có điều kiện và mong muốn giáo dục đáp ứng được những nhu cầu cá nhân, riêng biệt thì nên cho con học trường tư. Còn trường công lập có vai trò trong việc đáp ứng quyền được học tập, giáo dục đại trà nói chung cho HS.
Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, nhiều chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam. Nhưng một chương trình không nói lên chất lượng của một trường học. Trường tốt thì dạy chương trình nào cũng tốt và ngược lại, trường không tốt thì dù dạy một chương trình uy tín nhưng cũng có thể triển khai chưa tốt. Bởi vậy, khi chọn trường tư thục, trường quốc tế, phụ huynh nên lưu ý để tránh vướng vào vướng mắc pháp lý.
Chuyển trường, nghỉ việc Một số phụ huynh cho biết phải tính đến phương án chuyển trường cho con vì không biết khi nào tình hình nhà trường mới có thể ổn định trở lại. Trong khi đó, người đại diện nhà trường cho biết trường mở lại nhưng chưa thể dạy và học bình thường như trước đây, ít nhất là trong tuần này. Nhà trường đã kêu gọi GV trở lại trường nhưng có thể một số GV vẫn nghỉ việc.
|
Trường ngoài công lập không được thu học phí dài hạn Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã có công văn chấn chỉnh các trường ngoài công lập. Đặc biệt, trong công tác thu, quản lý và sử dụng học phí. Sở yêu cầu các nhà trường khi tổ chức thu học phí phải theo quy định tại điều 12 Nghị định số 81/2021 được thu tối đa 9 tháng/năm học và không được phép thu gộp cho nhiều năm hay toàn cấp học, đồng thời thực hiện kê khai giá dịch vụ giáo dục theo hướng dẫn. Các cơ sở giáo dục cũng phải thực hiện công khai học phí và các khoản thu khác theo từng tháng, theo học kỳ, theo năm học và theo toàn cấp học; công khai đầy đủ trên website của đơn vị và niêm yết công khai tại đơn vị bảo đảm thuận tiện dễ theo dõi. Theo một cán bộ Sở GD-ĐT thành phố, sở dĩ có yêu cầu các trường ngoài công lập không được thu học phí dài hạn là vì có tình trạng nhiều trường ngoài công lập yêu cầu phụ huynh đóng học phí dài hạn, thậm chí toàn bộ khóa học. Trong khi đó, khi có vấn đề xảy ra, chẳng hạn như phụ huynh muốn rút hồ sơ giữa chừng hoặc có vấn đề bất khả kháng không thể theo học thì không thể lấy lại khoản học phí đã đóng toàn khóa.
|
Bài và ảnh: Đặng Trinh