Tuy nhiên, việc tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế với số tiền nhỏ, có khi chỉ vài trăm nghìn đồng đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Gần 32 triệu lượt người bị thông báo đòi nợ thuế
Trong báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành gần 32 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế, đạt 100% số người nộp thuế phải thông báo.
Cơ quan thuế cũng đã ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế. Trong đó có 151.604 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 21.019 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 251 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; 1.542 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thực hiện đăng công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của 631.777 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền 229.294 tỷ đồng.
Bên cạnh việc cưỡng chế, công khai thông tin… tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp được cơ quan thuế áp dụng nhằm nhằm đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có công văn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo trong công tác xử lý thu hồi nợ thuế. Số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Một trong những biện pháp chống chây ỳ, nợ thuế kéo dài được Bộ trưởng đề nghị là đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Với biện pháp này, cơ quan thuế đã ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế, với số tiền nợ hơn 24.100 tỷ đồng. Qua đó, trực tiếp thu hồi gần 920 tỷ đồng của gần 1.500 doanh nghiệp nợ thuế. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ).
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này. Và trong thời gian qua, không ít trường hợp nợ thuế vài trăm nghìn đồng cũng bị cấm xuất cảnh đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Với số tiền nợ thuế rất nhỏ, nhiều chủ doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Theo các luật sư, quy định tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế là cần thiết song có phần hơi cứng nhắc. Bởi trong số những người nợ thuế, có người do không biết mình nợ thuế. Đặc biệt mức nợ thuế chỉ vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh là chưa phù hợp. Do đó cần quy định rõ hơn về vấn đề này.
Nợ thuế vài trăm nghìn bị cấm xuất cảnh: Có hợp lý?
Đến sân bay làm thủ tục xuất cảnh, nhiều chủ doanh nghiệp không khỏi bất ngờ khi tên mình có trong danh sách bị cấm xuất cảnh vì lý do nợ thuế. Điều càng ngạc nhiên và không ít người tỏ ra bất bình là số tiền thuế bị nợ có khi chưa tới 1 triệu đồng. Áp dụng hình thức cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh nợ thuế với số tiền nhỏ đang gây nhiều ý kiến trái chiều.
Nợ thuế từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng đã bị cấm xuất cảnh. Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai có 64 trường hợp. Còn trong tháng 6 đầu năm nay, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đã ra thông báo cho 5 doanh nghiệp tạm hoãn xuất cảnh. Riêng trong tháng 5/2024, TP Hồ Chí Minh có 12 giám đốc doanh nghiệp đã bị Cục Hải quan Thành phố ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế. Điều đáng nói, những trường hợp này nợ thuế hơn 997.000 đồng, có người nợ 1,1 triệu đồng.
Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thường xuyên nhận điện thoại cầu cứu của các doanh nghiệp vì khi ra đến sân bay, họ mới biết mình nằm trong danh sách tạm hoãn xuất cảnh do chưa nộp thuế. “Chúng tôi nhận được cuộc gọi của họ từ sân bay về việc bị tạm dừng xuất cảnh. Khi chúng tôi hỏi họ có nhận được thông báo tạm dừng xuất cảnh của cơ quan thuế không thì người ta nói không nhận được”, ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, theo Luật Quản lý thuế không quy định mức nợ thuế, người nợ thuế vài trăm ngàn hay vài tỷ đều là nợ thuế. Tuy nhiên, tại nơi làm thủ tục xuất nhập cảnh cũng nên bố trí, hoặc cài đặt các hệ thống nộp thuế liên thông tại chỗ cho những trường hợp nợ thuế thấp từ vài chục triệu đồng trở xuống. Điều này sẽ hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế, kịp thời tháo gỡ ngăn chặn xuất cảnh. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Trà – Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế), cho biết cơ quan thuế cũng khuyến nghị người nộp thuế thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất về địa chỉ liên lạc cũng như địa chỉ nhận thông báo thuế của cơ quan thuế. Điều này giúp thông tin giữa cơ quan thuế và người nộp thuế được thông suốt.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, cơ quan thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.
Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi Thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!