Năm 2021, Greenland mất đi lượng băng tuyết lớn chưa từng có. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, lượng băng tan ở Greenland và Nam Cực đã tăng gấp năm lần kể từ những năm 1990 do biến đổi khí hậu.
Băng tuyết đang tan chảy ở Greenland đã làm lộ ra những nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của quốc gia này. Phần lớn những nguồn tài nguyên này vẫn chưa được khám phá. Do đó các công ty và chính phủ đang quan tâm đến việc khai thác mỏ ở Greenland, bao gồm cả những loại khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, như pin và xe điện.
Một cuộc thám hiểm ở khu vực Nuussuaq của Greenland đã thu hút sự chú ý của dư luận vào năm 2021 sau khi KoBold Metals công bố một liên doanh với công ty khai thác mỏ Bluejay Mining, tập trung vào việc khai thác niken, đồng, bạch kim và coban. Dự án này được sự hậu thuẫn của một số người giàu nhất thế giới bao gồm Bill Gates, Jeff Bezos và Michael Bloomberg.
Theo Bluejay Mining, dự án này có tiềm năng cạnh tranh với mỏ Norilsk-Talnakh ở Siberia.
CEO của Bluejay Mining là Bo Møller Stensgaard cho biết: “Vì điều kiện địa chất mà Disko-Nussuaaq nhận được rất nhiều sự quan tâm. Nó có thể so sánh với khu vực Norilsk – một trong những nơi sản xuất niken và đồng lớn nhất thế giới.”
Greenland đã gần như không bị ảnh hưởng bởi ngành công nghiệp khai thác mỏ do sự kết hợp của thiên nhiên được bảo vệ và điều kiện khắc nghiệt trong nước. Năm 2014, một báo cáo của viện nghiên cứu Brookings cho biết rằng rất ít khả năng quốc gia này sẽ thu hút các dự án khai thác mỏ lớn trong thời gian tới.
“Chi phí thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khác ở Greenland rất cao do môi trường khắc nghiệt và thiếu hạ tầng, cả hai đều là những yếu tố ngăn cản đầu tư. Giống như các khu vực khác đang ngấp nghé với tiềm năng được khai thác tài nguyên, sự phát triển thành công của các dự án lớn ở Greenland phụ thuộc phần lớn vào giá cả hàng hóa quốc tế,” báo cáo viết.
Đã có những dự án khai thác mỏ thành công ở quốc gia này. Thị trấn Ivittuut từng có trữ lượng cryolite (một loại khoáng sản được dùng để sản xuất nhôm) lớn nhất thế giới. Mỏ này đã hoạt động hơn một thế kỷ trước khi ngừng sản xuất vào năm 1987.
Hiện nay, Greenland có hai mỏ đang hoạt động. Tuy nhiên, chỉ riêng Bluejay Mining đã có bốn dự án đang được phát triển, và hàng chục công ty khác cũng đang có các dự án khám phá đang diễn ra. Một số công ty đã giành được giấy phép, đáng chú ý nhất là Anglo American.
Sự tan chảy băng không chỉ làm lộ ra các khu vực khai thác mỏ ở Greenland. Nó cũng làm giảm bớt một số rào cản đi kèm với các khu vực Bắc Cực xa xôi. Các con tàu có thể đến được những khu vực trước đây vốn không thể tiếp cận được.
Trong khi đó, sự giàu có của Greenland hé lộ tiềm năng khổng lồ dưới lòng biển Bắc Cực, nơi các siêu cường như Nga, Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng. Hiện nay, cả Nga và Trung Quốc đều đang xây dựng các con tàu phá băng hạt nhân có khả năng tiếp cận khu vực.
Tham khảo Energy Monitor