Từ ngày 19-7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ chính thức vận hành. Dự kiến, có khoảng 1.600 mã TPDN riêng lẻ được đưa lên niêm yết. Các DN phát hành trái phiếu tham gia sàn giao dịch sẽ có cơ hội tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, qua đó giúp khơi thông nguồn vốn từ trái phiếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tăng thanh khoản, giảm rủi ro
Số liệu do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổng hợp từ HNX và Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy trong tuần đầu tháng 7-2023 chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với tổng giá trị 400 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận hơn 59.000 tỉ đồng. Tổng giá trị trái phiếu được các DN mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay hơn 116.300 tỉ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước nhưng áp lực trái phiếu đến hạn vẫn rất lớn.
Trong bối cảnh này, theo các chuyên gia, việc vận hành sàn giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ góp phần “phá băng” thị trường, khơi thông dòng vốn qua kênh này và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lê Thị Thanh Tâm, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán Mirae Asset, đánh giá TPDN riêng lẻ được lưu ký và mua bán trên sàn giao dịch tập trung công khai, minh bạch là một bước phát triển mới của thị trường TPDN. Sàn giao dịch này không chỉ giúp nhà đầu tư có điều kiện tiếp cận thông tin rõ ràng về giá cả, cung cầu của các mã trái phiếu, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho chính DN phát hành khi có thêm một kênh giao dịch hỗ trợ thanh khoản cho những TPDN riêng lẻ đã phát hành. “Để tham gia sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, các tổ chức phát hành phải công bố rõ ràng về trái phiếu phát hành, hoàn toàn chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi cho nhà đầu tư” – bà Thanh Tâm nói.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), khi các sản phẩm TPDN riêng lẻ được giao dịch tập trung sẽ tạo ra thị trường có tính tổ chức cao, minh bạch về thông tin và được sự giám sát của tất cả các bên bao gồm cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán, cộng đồng đầu tư… Qua đó bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, thúc đẩy bước phát triển mới của thị trường.
Hiện tại, thống kê sơ bộ đang có khoảng 1.600 TPDN riêng lẻ đã được phát hành, trong đó nhiều tổ chức phát hành chưa thực sự chú trọng về độ minh bạch thông tin. Bản thân nhiều nhà đầu tư cũng chưa có sự hiểu biết đúng đắn và tìm hiểu kỹ về các sản phẩm này. “Việc vận hành sàn giao dịch này rất cần thiết cho sự phát triển lâu dài và bền vững của thị trường TPDN, là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Sàn giao dịch tập trung sẽ góp phần làm chuẩn hóa thị trường, gia tăng thanh khoản, đặt ra yêu cầu minh bạch thông tin đối với tổ chức phát hành. Từ đó khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện để DN có triển vọng kinh doanh và sức khỏe tài chính lành mạnh có thể huy động vốn” – ông Hoàng Công Tuấn nói.
Nhà đầu tư tìm hiểu về sàn giao dịch trái phiếu do HNX vận hành. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lối ra cho trái phiếu bất động sản
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhận định việc niêm yết tập trung TPDN là một bước tiến quan trọng, từng bước khôi phục niềm tin vào thị trường này, nhất là cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và chưa chuyên nghiệp. Việc niêm yết cũng góp phần xác định rõ ràng chủ sở hữu trái phiếu được tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tránh những rủi ro tranh chấp và giúp bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Bà Tâm cho rằng các DN BĐS đang có lượng trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành rất lớn, do vậy khi sàn triển khai chắc chắn các mã trái phiếu BĐS sẽ chiếm tỉ trọng đa số so với lĩnh vực khác. Khi trái phiếu BĐS được đưa lên sàn, các DN phát hành phải công bố thông tin rõ ràng, sẽ giúp thanh khoản của các mã này tăng lên, từ đó áp lực cho DN BĐS phát hành trái phiếu sẽ giảm bớt, khối lượng trái phiếu phải mua lại trước hạn cũng giảm do nhà đầu tư có thể trao đổi, mua bán ngay trên sàn.
Ông Hoàng Công Tuấn nhận định việc vận hành sàn giao dịch sẽ góp phần gia tăng khả năng hồi phục thị trường trái phiếu, tăng tính thanh khoản cho các sản phẩm này, đặc biệt là trái phiếu BĐS. Bởi khi nhà đầu tư có thể mua hoặc bán các sản phẩm TPDN riêng lẻ trên một thị trường quản lý tập trung, niềm tin sẽ dần được phục hồi. “Thông qua việc niêm yết và đăng ký, lưu ký đầy đủ sản phẩm TPDN riêng lẻ trên HNX các DN BĐS buộc phải thông tin chính xác sức khỏe tài chính và triển vọng kinh doanh của mình, từ đó thu hút cộng đồng đầu tư quay trở lại. Đây là tiền đề để khơi thông một nguồn vốn quan trọng cho thị trường BĐS” – ông Hoàng Công Tuấn nói.
Kiểm soát các giao dịch thao túng, làm giá
Để thị trường vận hành hiệu quả, các chuyên gia cho rằng bên cạnh hoạt động trơn tru hệ thống giao dịch, quy trình thanh toán, thị trường phải hoạt động lành mạnh, công khai, minh bạch. Bà Lê Thị Thanh Tâm nhấn mạnh đối với một sàn giao dịch mới, chế tài về quản lý việc cung cấp thông tin của DN phát hành cũng như kiểm soát các giao dịch mang tính thao túng hoặc làm giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc, nhằm xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư, bảo đảm họ được tiếp cận thông tin về giá khớp, cung cầu chuẩn xác phản ánh và đánh giá đúng giá trị trái phiếu giao dịch. “Bản thân nhà đầu tư khi tham gia vào sàn trái phiếu riêng lẻ cũng cần tìm hiểu kỹ thông tin và thẩm định kỹ càng về trái phiếu trước khi đầu tư vì trách nhiệm chi trả mọi nghĩa vụ gốc và lãi trái phiếu là thuộc về tổ chức phát hành, sàn giao dịch không bảo đảm nghĩa vụ này” – bà Thanh Tâm nói.