Thống kê báo cáo tài chính quý 2/2023 của 21 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (trừ những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh trực tiếp đến tiền như ngân hàng, bảo hiểm) có vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán cho thấy, có đến 12 doanh nghiệp ghi nhận tăng khoản tổng tiền mặt và tiền gửi.
Xét về số tuyệt đối, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas – mã: GAS) sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất lên tới 40.767 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD. Con số này chiếm 46% tổng tài sản của GAS và tăng khoảng 3.900 tỷ đồng so với cuối quý 1. Sau 6 tháng, khoản tiền gửi ngân hàng này đã đem về cho công ty hơn 1.033 tỷ đồng lãi.
Xếp thứ 2 trong danh sách là Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) khi sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi 36.100 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD. So với thời điểm đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã nâng lượng tài sản có tính thanh khoản cao nhất tăng 4%. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền thể hiện trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6 là 13.252 tỷ đồng, tăng 4.928 tỷ đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (ngắn hạn) dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn là 22.848 tỷ đồng.
Đứng ở vị trí thứ 3 là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) với 29.229 tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm và chiếm 39% tổng tài sản. Lưu ý rằng số tiền gửi này đã mang về 762,5 tỷ đồng tiền lãi cho BSR trong nửa đầu năm, tương ứng mỗi ngày nhận gần 3 tỷ đồng.
Cùng trong danh sách vốn hóa tỷ USD, CTCP Tập đoàn FPT cũng là cái tên đáng chú ý khi sở hữu “núi tiền” tăng vọt chỉ sau nửa đầu năm. Cụ thể, đến cuối quý 2 tập đoàn này có tổng cộng 26.685 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 37% so với đầu năm và chiếm khoảng 44% tổng tài sản của tập đoàn.
Nếu tính về tốc độ, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) có mức tăng nhanh nhất với tỷ lệ 72%, từ mức 14.195 tỷ lên con số 24.420 tỷ đồng tại ngày 30/6. Khoản tiền gửi khổng lồ đã mang về cho Thế Giới Di Động đến hơn 809 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đó giúp doanh nghiệp bán lẻ này thoát lỗ trong bối cảnh phải căng mình giữa cuộc chiến giá rẻ từ quý 2.
Khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) với tổng giá trị 21.464 tỷ. Nửa đầu năm, Vinamilk thu về 708 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng. Đây cũng là khoản mục đóng góp lớn vào lợi nhuận của công ty này.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận tăng khối lượng tiền mặt, tiền gửi nửa đầu năm, cụ thể là: Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (15.279 tỷ đồng), Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (17.815 tỷ đồng), VJC (2.165 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; mã: NVL) là đơn vị giảm lượng tiền mặt tới 54% từ mức 8.923 tỷ đồng còn 4.082 tỷ đồng. Tiếp theo là Becamex IDC (Mã: BCM), đơn vị này giữ 1.507 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi hồi đầu năm nhưng thời điểm cuối quý 2 giảm hơn một nửa, chỉ còn ở mức 742 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có CTCP Vinhomes (mã: VHM) với mức giảm 46% xuống còn 6.717 tỷ đồng hay Tập đoàn Vingroup với 20.623 tỷ đồng, giảm 27% so với hồi đầu năm.