Tăng thuế thuốc lá đủ mạnh để giảm tiêu dùng là hướng đi đúng |
Thời điểm thích hợp để áp thuế đối với đồ uống có đường |
Việc sửa đổi này phù hợp với các chủ trương của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu tăng thuế đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, thuốc lá và đưa nước ngọt vào diện chịu thuế để hạn chế tiêu dùng, là một bước đi cần thiết và hợp lý.
Đề xuất tăng giá bán thuốc lá theo hai phương án
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đã bám sát căn cứ Nghị quyết 20-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tăng giá bán thuốc lá hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Ảnh: TL |
Dự thảo luật quy định áp dụng thuế hỗn hợp đối với mặt hàng thuốc lá. Theo đó, giữ nguyên mức thuế suất thuế tỷ lệ 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026-2030 theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%) với 2 phương án như sau:
Phương án 1: Từ năm 2026 đến năm 2030, bổ sung thuế tuyệt đối và tăng dần từ 2.000 đồng/bao lên 10.000 đồng/bao đối với thuốc lá điếu; từ 20.000 đồng/điếu đến 100.000 đồng/điếu đối với xì gà; từ 20.000 đồng/100g hoặc 100ml lên 100.000 đồng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác.
Phương án 2: Từ năm 2026 đến năm 2030, bổ sung thuế tuyệt đối và tăng dần từ 5.000 đồng/bao lên 10.000 đồng/bao đối với thuốc lá điếu; từ 50.000 đồng/điếu đến 100.000 đồng/điếu đối với xì gà; từ 50.000 đồng/100g hoặc 100ml lên 100.000 đồng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác.
Chính phủ nghiêng về phương án 2 bởi vì lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại phương án này đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng; gánh nặng chi phí y tế liên quan đến bệnh tật do thuốc lá gây ra.
Khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn để gần tiếp cận đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên đề ra tại Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá (xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026-2030) và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO (75%).
Tăng giá bán rượu, bia 10%
Tương tự như thuốc lá, việc tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia trong giai đoạn 2026–2030 được xem là cần thiết để kiểm soát tiêu dùng. Cơ quan soạn thảo đã đề xuất chọn Phương án 2 trong dự thảo, với lộ trình tăng thuế suất nhằm đạt mục tiêu tăng giá bán khoảng 10% vào năm 2026, các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2 – 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 65%, còn rượu dao động từ 35 – 65% tùy theo nồng độ cồn dưới hoặc trên 20 độ. Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế để tăng giá bán các sản phẩm này khoảng 10%, phù hợp với khuyến nghị của WHO.
Đồ uống có đường- mặt hàng mới đề xuất vào diện đánh thuế TTĐB
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo này là việc đưa nước giải khát có đường vào danh sách các sản phẩm chịu thuế TTĐB, với mức thuế suất là 10% (đối với đồ uống có hàm lượng đường trên 5gr/100ml.)
Đây là động thái phù hợp xu hướng quốc tế khi 107 quốc gia đã áp thuế nước giải khát có đường để giảm tiêu thụ và hạn chế bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì, tim mạch. Vì đây là mặt hàng mới được đưa vào diện đánh thuế TTĐB, dự thảo luật đề xuất mức thuế suất hợp lý là 10% để tác động dần đến hành vi tiêu dùng.
Kinh nghiệm quốc tế và đóng góp trong dự thảo luật tại Việt Nam
Chính phủ đã nỗ lực nghiên cứu, lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự thảo sửa đổi luật thuế TTĐB. Để hỗ trợ xây dựng các phương án, dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai, đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công từ một số quốc gia trong việc xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hội thảo thu thập ý kiến các chuyên gia góp ý dự án Luật thuế TTĐB do Bộ Tài chính phối hợp với GIZ tổ chức tại Cần Thơ ngày 6/9/2024. |
Tại Philippines, “Luật Cải cách thuế tội lỗi” năm 2013 đã giúp đơn giản hóa hệ thống thuế thuế, tăng giá thuốc lá, và giảm tỷ lệ hút từ 27,9% xuống 22,5% giai đoạn 2009-2015; 80% doanh thu thuế tăng thêm được dành cho bảo hiểm y tế cho người nghèo. Với đồ uống có cồn, Lithuania đã tăng thuế TTĐB và hạn chế bán, nhất là sau khi gia nhập EU. Từ 2010-2020, doanh thu thuế tăng 49,3% sau khi điều chỉnh theo lạm phát, giúp giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật liên quan đến rượu.
Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy, thuế TTĐB là một trong những giải pháp hiệu quả giúp điều tiết hành vi tiêu dùng vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Ngoài kinh nghiệm quốc tế, các hội thảo thu thập ý kiến đa chiều từ các bộ ban ngành địa phương, các chuyên gia đầu ngành và các doanh nghiệp cũng cho thấy những nỗ lực hỗ trợ từ Dự án nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB tại Việt Nam./.
Vì mục tiêu chung nâng cao sức khoẻ cộng đồng Dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi) về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận do không chỉ nhằm hoàn thiện chính sách thu mà còn vì sức khỏe của hàng triệu người dân. Để Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) được thông qua vào tháng 5/2025 và triển khai hiệu quả, Dự án “Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam” sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để triển khai các hoạt động nhằm hoàn thiện Luật sửa đổi cũng như hướng dẫn thực hiện, qua đó góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững. |