Ngân hàng Vietcombank vừa công bố lãi suất bình quân kỳ hạn tháng 3 ở mức 6,4%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,4%/năm, chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi chi phí liên quan hoạt động huy động vốn, sử dụng vốn ở mức 1,8%/năm.
VietinBank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bình quân 2,45%/năm. Ngân hàng này cho rằng, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động này dùng để bù đắp cho các loại chi phí tuân thủ của pháp luật như chi phí dự phòng rủi ro, chi phí vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, chi phí hoạt động…
Trước đó, Agribank và BIDV cũng công bố một loạt các mức lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân tháng 3. Tại Agribank, lãi suất cho vay bình quân ở mức 7,47%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân tại BIDV là 6,49%/năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại, Techcombank hiện đã công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 2 đối với khách hàng cá nhân ở mức 7,33%/năm. Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân 4,33%/năm. Với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cho vay bình quân là 6,88%/năm, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân 3,89%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân cụ thể mức lãi suất này tại TPBank là 7,76%/năm. Trong khi đó, Vietbank công bố lãi suất cho vay bình quân là 7,32%/năm. Ngân hàng OCB áp dụng lãi suất 7,79%/năm đối với cá nhân và 9,29%/năm đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, VIB công bố lãi suất cho vay bình quân là 8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp. ACB hiện áp dụng lãi suất cho vay bình quân 9,7%/năm đối với cá nhân và 9,33%/năm đối với doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay bình quân tại ABBank hiện là 7,42%/năm với khách hàng cá nhân và 6,12%/năm với doanh nghiệp. Lãi suất cho vay bình quân tại BVBank là 9,4%/năm, Eximbank là 8,17%/năm.
Khảo sát cho thấy, nhóm ngân hàng Big 4 có mức chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi cũng như lãi suất bình quân cho vay ở mức thấp hơn so với cổ phần.
Trước đó vào đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc công bố lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng gửi đường dẫn (link) công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng,… trước ngày 1/4.
Trước đó, liên quan đến việc công khai lãi suất cho vay, một số lãnh đạo ngân hàng cũng cho rằng, lãi suất cho vay áp dụng theo từng phân khúc, sản phẩm, loại hình rủi ro và theo thời hạn ngắn hay dài. Đặc biệt, đối với khách hàng là tổ chức, lãi suất cho vay còn dựa trên tài sản đảm bảo về kế hoạch. Thế nên, nếu đưa ra một mức lãi suất chung là không hợp lý.
Song theo các chuyên gia kinh tế, việc công khai lãi suất cho vay là một trong những giải pháp để doanh nghiệp, người vay yên tâm vay vốn, gia tăng sự minh bạch. Đồng thời điều này có tác dụng cải thiện tăng trưởng tín dụng trong những tháng tiếp theo, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay giảm 1,12% so với cuối năm 2023.