Luật sư của bà Trương Mỹ Lan cho rằng việc định giá tài sản đảm bảo thấp đã làm tăng trách nhiệm của thân chủ; dự án Mũi Đèn Đỏ có giá khoảng 125.000 tỷ đồng chứ không phải gần 17.600 tỷ.
Ngày 2/4, luật sư Giang Hồng Thanh, một trong 5 luật sư của bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) tiếp tục đối đáp với quan điểm của VKS về phương pháp, cách thức xác định thiệt hại tại SCB.
Theo luật sư, việc xác định số tiền thất thoát của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính “sống còn” trong việc xác định tội danh, hình phạt đối với thân chủ và nhiều bị cáo khác. Tuy nhiên, việc định giá các tài sản đảm bảo cho các khoản vay chưa thống nhất và thấp, làm tăng trách nhiệm của thân chủ, như việc định giá dự án Mũi Đèn Đỏ.
Trước đó, VKS đánh giá luật sư đưa chứng thư thẩm định của Công ty TNHH Thẩm định giá SVVN – Savills Việt Nam (ban hành tháng 6/2020) xác định dự án có giá trị 180.800 tỷ đồng là không phù hợp, bởi chứng thư này thẩm định tài sản hình thành trong tương lai với giả định là dự án hoàn thành vào ngày 31/12/2025.
Không đồng tình với quan điểm trên, luật sư cho rằng việc thẩm định tài sản hình thành trong tương lai là nghiệp vụ được pháp luật cho phép. “Ngay cả ông Võ Xuân An, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Quân cũng trả lời tại phần thẩm vấn rằng điều này là được phép, với điều kiện tài sản phải đáp ứng một số tiêu chí”, luật sư Thanh nói, thêm rằng chứng thư thẩm định giá tòa nhà Times Square do Công ty Hoàng Quân ban hành cũng dựa trên một số giả định về những khoản thu của Times Square trong tương lai.
Dự án Mũi Đèn Đỏ đang bị kê biên trong vụ án của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Ảnh: Quỳnh Trần
|
Luật sư tiếp tục dẫn chứng, tháng 8/2020, Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú thẩm định dự án Mũi Đèn Đỏ là 151.000 tỷ đồng. Hai thẩm định viên của công ty này là Trần Tuấn Hải và Trần Thị Kim Ngân đã bị bắt trong vụ án với cáo buộc nâng khống giá trị tài sản và ký lùi ngày chứng thư thẩm định. Quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Hải xác định đã nâng khống giá trị tài sản này khoảng 20%. Như vậy, giá trị thật của Mũi Đèn Đỏ nếu không bị nâng khống sẽ là khoảng 125.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 6/2021, Công ty CP giám định và thẩm định tài sản Việt Nam (VAE) định giá tài sản Mũi Đèn Đỏ 168.000 tỷ đồng. VAE là một trong 19 công ty thẩm định giá có uy tín, có năng lực thuộc danh sách được Bộ Tài chính cung cấp cho NHNN Việt Nam, qua đó NHNN yêu cầu SCB phối hợp để thẩm định giá.
“Như vậy, kết quả thẩm định giá của 3 doanh nghiệp này đối với dự án Mũi Đèn Đỏ đều gấp 6-9 lần giá trị thẩm định của Công ty Hoàng Quân (17.597 tỷ đồng). Vậy tính pháp lý của chứng thư nào có giá trị cao hơn?”, luật sư nêu vấn đề, cho rằng bà Lan đang “phải gánh chịu nhiều quy kết nặng nề quyết định sinh mạng” trong khi giá trị tài sản đảm bảo bị định giá thấp đi, sự chênh lệch này “sẽ đưa bà Lan vào cửa tử”.
Cũng trong phần tranh luận bổ sung, luật sư Thanh cho rằng, việc phải trưng cầu giám định tư pháp khi giải quyết vụ án này là cần thiết. Tuy nhiên, VKS xác định không có trưng cầu giám định thiệt hại, không sử dụng chứng thư thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân làm căn cứ để xác định thiệt hại.
“Vậy thiệt hại của SCB được xác định dựa trên nguyên tắc nào, bằng phương cách nào? Đến thời điểm này chưa có kết luận giám định thiệt hại, chưa thực hiện việc xử lý tài sản đảm bảo của bà Trương Mỹ Lan. Như vậy, việc xác định bà Lan gây thiệt hại 677.000 tỷ đồng có phải là quá vội vàng hay không?”, ông Thanh nói.
Về việc VKS cho rằng “hoạt động trích lập dự phòng rủi ro không liên quan đến tài sản đảm bảo, đây là hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng không phải nghĩa vụ của khách hàng”, luật sư đồng quan điểm. Tuy nhiên, theo luật sư, quan điểm này của VKS lại mâu thuẫn với chính VKS ở một bối cảnh khác. Đó là việc SCB không chấp nhận 206/726 mã tài sản thế chấp đã được Hoàng Quân định giá với tổng giá trị 74.365 tỷ đồng vì không đủ điều kiện trích lập dự phòng rủi ro. “Sự mâu thuẫn này của VKS đã khiến trách nhiệm của bà Lan trở nên nặng nề hơn, khi bà không được đối trừ 74.365 tỷ đồng chỉ vì SCB từ chối với lý do không đủ điều kiện trích lập dự phòng rủi ro”, luật sư nói.
Chốt lại vấn đề, luật sư đề nghị HĐXX xem xét để có phán quyết nhân văn, tình người nhất đối với thân chủ.
Trong phần đối đáp ngày 1/4, VKS nêu nhiều căn cứ, tài liệu khẳng định đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra để xác định thiệt hại của vụ án mà bà Lan phải chịu trách nhiệm là 677.000 tỷ đồng. Bà Lan không đưa tài sản cho SCB mượn, không bị thiệt hại, việc đưa tài sản đảm bảo vào để lập hồ sơ vay khống chỉ là phương thức thủ đoạn chiếm đoạt tiền của SCB.
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần
|
Cũng trong sáng nay, một số luật sư bào chữa cho các cựu lãnh đạo, nhân viên SCB tranh luận bổ sung với VKS, cho rằng cần có một phương thức xác định thiệt hại rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị VKS tách bạch và loại bỏ trách nhiệm liên quan đến những khoản vay có tài sản đảm bảo đủ nghĩa vụ trả nợ theo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.
Chiều nay, luật sư bào chữa cho các bị cáo khác tiếp tục với phần tranh luận bổ sung.
Dự án Mũi Đèn Đỏ rộng 118 ha có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD (tại thời điểm năm 2007). Dự án là khu phức hợp gồm công viên đa chức năng, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn, bến cảng du thuyền lớn nhất Việt Nam và mang tầm quốc tế. Dự án được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ký hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để cùng phát triển. Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp lý, đến nay dự án chưa được triển khai.
Kết quả điều tra xác định, tài sản đảm bảo trên sổ sách ghi nhận quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng, đảm bảo cho 137 khoản vay của 100 khách hàng thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát. Trong khi đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân cho rằng giá trị quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ chỉ là 17.597 tỷ đồng.
Đến thời điểm khởi tố vụ án (10/2022) các khoản vay này còn dư nợ 133.710 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 108.000 tỷ, 26.317 tỷ đồng nợ lãi (chiếm hơn 22% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB).
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022) đã sử dụng SCB như công cụ tài chính, đã giải ngân cho nhóm bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng – chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.
Hôm 19/3, VKS xác định bà Lan là người chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của SCB, nên đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án tử hình về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản; Đưa hối lộ.
Ba đồng phạm của bà Lan là bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc; Đinh Văn Thành (bỏ trốn) và Bùi Anh Dũng đều là cựu chủ tịch HĐQT SCB bị đề nghị mức án từ chung thân về các tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 20 năm tù.
Hải Duyên