TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng. Fed không tăng lãi suất đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ chững lại và sẽ theo xu hướng đi xuống. Theo đó, áp lực tỷ giá sẽ giảm. Bởi thời gian vừa qua, áp lực tăng tỷ giá chủ yếu do giá USD tăng.
Từ giữa tháng 6/2023 đến nay, tỷ giá USD/VND chịu áp lực gia tăng do đồng USD trên thị trường quốc tế tăng trở lại, khi Fed phát đi tín hiệu duy trì lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn”. Trong khi đó lãi suất VND giảm và ngày càng tạo khoảng cách khá xa so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, từ đó gây áp lực lên tỷ giá VND. Trước bối cảnh đó, NHNN đã thực hiện việc phát hành tín phiếu 28 ngày nhằm hút bớt lượng tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng nhằm tìm điểm cân bằng tối ưu giữa tỷ giá và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, đồng thời hạn chế tác động lên lãi suất trên thị trường 1. Từ đó, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND được thu hẹp lại. Kết quả là, tỷ giá USD/VND đã ổn định phần nào.
Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm sức ép lên tỷ giá vẫn còn. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ giá của Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Fed mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như giá cả các loại hàng hoá cơ bản, như giá dầu có xu hướng tăng bởi tình hình bất ổn của Trung – Đông. Giá dầu tăng gây áp lực cho lạm phát do chi phí đẩy. Yếu tố nữa là sự chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD. NHNN cũng đang cố gắng giảm chênh lệch lãi suất thông qua phát hành tín phiếu hút tiền về. Giải pháp này cũng đã phát huy hiệu quả, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn còn. Nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ, Tết cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Do đó, sức ép lên tỷ giá những tháng cuối năm là khá lớn. Nhưng áp lực này, theo đánh giá của TS. Huân chủ yếu do yếu tố mùa vụ nhiều hơn nên phải chấp nhận mức độ giảm giá VND tương đối trong ngắn hạn.
Chung quan điểm, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, tùy từng thời điểm, việc tỷ giá giữ ở mức thấp cũng chưa hẳn đã tốt, nhất là không khuyến khích được xuất khẩu. Bởi đồng tiền của rất nhiều quốc gia trên thế giới đang mất giá so với USD. Không riêng nội tệ của các quốc gia khu vực Đông Nam Á, mà đồng tiền của nhiều quốc gia lớn khác trên thế giới cũng rớt giá mạnh so với USD, như nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng yên Nhật Bản, đồng tiền chung châu Âu, đồng bảng Anh…
“Nếu cứ cố neo giữ VND ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, hàng hóa của Việt Nam đắt hơn so với các nước, khó cạnh tranh. Do đó việc đồng VND có giảm giá thêm từ nay đến cuối năm cũng là chuyện bình thường. Bởi rất nhiều đồng tiền của các quốc gia lớn đang giảm giá rất mạnh lên đến hai con số so với đồng USD”, TS. Huân nhấn mạnh.
Có thể thấy, so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển, tỷ giá của Việt Nam được cơ quan điều hành rất tốt. Tỷ giá tuy có tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và ở mức hợp lý; vừa hỗ trợ cho xuất khẩu, vừa đảm bảo thu hút được dòng vốn đầu tư. “Điểm cân bằng này không dễ thiết lập được trong điều hành chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang nhiều biến động”, một chuyên gia ngân hàng nhận định. Tính đến hết tháng 10, tỷ giá mới chỉ tăng 3,4% so với cuối năm. Mà dự báo nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa không cao như mọi năm do cầu hàng hóa kinh tế thế giới vẫn thấp. Thêm nữa cán cân thương mại đang thặng dư. Ngoài ra, NHNN đã sử dụng công cụ tín phiếu hút tiền về khá hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. “Những yếu tố trên giúp cho tỷ giá trong kiểm soát của cơ quan điều hành”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Các chuyên gia phân tích của CTCK ACB (ACBS) cũng tin rằng, NHNN còn đủ các công cụ để duy trì tình trạng ổn định của tỷ giá và lãi suất. Bởi, nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào từ các hoạt động xuất nhập khẩu, FDI, FII và kiều hối. Trong khi đó, áp lực trả nợ nước ngoài không tăng đột biến.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 24,61 tỷ USD; Vốn FDI giải ngân ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định, năm 2023, tỷ giá không phải là vấn đề quan ngại đối với nền kinh tế. Với diễn biến thị trường như hiện nay, dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá tăng thêm 1-2%; và cả năm có thể tăng 4-5%, thậm chí có nhỉnh hơn một chút cũng không sao. Bởi so với nhiều nước đồng nội tệ của họ mất giá lên đến 2 con số thì tỷ giá VND/USD duy trì ở mức trên là một thành công lớn đối với Việt Nam. Cũng có ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, thị trường phải chấp nhận có lúc lên, lúc xuống. Nếu để “cứng đơ” thì không còn là kinh tế thị trường và cũng không thể có sự bất biến trong tỷ giá.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá. “Giá vàng và giá USD thời gian qua tăng theo giá thế giới. Cung – cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao, lúc thấp. Tuy vậy doanh nghiệp yên tâm vì tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép. Chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.