Ngày 15-9, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.036 đồng/USD, tăng tiếp 23 đồng/USD so với hôm qua.
Như vậy, tỉ giá trung tâm tiếp tục vượt 24.000 đồng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá trung tâm đã tăng hơn 400 đồng/USD, tương đương mức tăng 1,8%.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng được giao dịch quanh 24.050 đồng/USD mua vào, 24.390 đồng/USD bán ra, tăng 60 đồng/USD so với hôm qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD ở các ngân hàng tăng khoảng 600 đồng/USD, tương đương mức tăng 2,7%.
Tỉ giá liên tục tăng những ngày qua trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh và đang ở mức 10,5,31 điểm. Chỉ số đồng USD đã phục hồi từ mức thấp nhất dưới 100 điểm vào tháng 7-2023.
Giá USD ngân hàng vượt 24.300 đồng
Nhận định về diễn biến tỉ giá thời gian qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ giữa tháng 6-2023, khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỉ giá USD/VNĐ có dấu hiệu tăng trở lại.
Về cơ bản, thị trường ngoại tệ và tỉ giá diễn biến tương đối ổn định trong bối cảnh các dòng ngoại tệ chảy vào nền kinh tế được duy trì, cân đối cung cầu ngoại tệ cải thiện so với năm 2022. Ngân hàng Nhà nước mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối.
Trong bối cảnh FED vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều đồng tiền tiếp tục xu hướng mất giá so với USD như giai đoạn năm 2022; đồng tiền của một số nền kinh tế gặp khó khăn và đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ như Trung Quốc, Nhật Bản mất giá mạnh so với USD.
“Hiện cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ” – đại diện vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước nói.
Về định hướng điều hành tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ.
Đồng thời, điều hành tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.