Ông Nguyễn Đình Tùng có buổi trò chuyện với VTC News liên quan đến việc “thừa tiền” của các ngân hàng cũng như xoay quanh câu chuyện lãi suất và các đánh giá về tình hình vĩ mô.
– Mới đây ngành ngân hàng vừa có thêm một từ khá thú vị – “thừa tiền”, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Tôi thấy “thừa tiền” chính là một tín hiệu tốt. Như chúng ta đã biết, thanh khoản ngành ngân hàng cuối năm ngoái đến năm nay rất khó khăn. Nếu không có sự chèo lái vững chắc của Ngân hàng Nhà nước, thị trường sẽ rất khó.
Tôi đánh
giá thị trường
tài chính ngân hàng của Việt Nam đã “trưởng thành” hơn trước rất nhiều. Chính phủ,
Ngân hàng Nhà nước
đang điều hành kịp thời, sắc sảo.
Bản thân tôi nhận thấy, trong ngành ngân hàng và nền kinh tế, cái nguy hiểm nhất chính là thanh khoản. Thanh khoản mà mất thì vỡ hết toàn bộ, thị trường suy sụp cũng vì thanh khoản. Chính vì vậy, giai đoạn này, mọi người phải mừng vì “thừa tiền” tức là thanh khoản đang rất dồi dào. Theo tôi, đây là tín hiệu tốt.
Thanh khoản tốt, dồi dào đến từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, khi nền
kinh tế
gặp khó khăn, tính thận trọng của nhà đầu tư cao hơn. Khi nhà đầu tư thận trọng, họ thường để tiền vào tiết kiệm thay vì kinh doanh.
Ví dụ, khi kinh doanh thuận lợi, chúng ta sẽ đổ hết tiền vào kinh doanh nhưng khi thị trường khó khăn, cách thông minh nhất là dành một khoản tiền bỏ vào tiết kiệm để dự phòng.
Khi doanh nghiệp, người dân chuyển tiền từ kinh doanh sang tiết kiệm cũng có nghĩa là người ta chuyển tiền từ thị trường lưu thông vào ngân hàng. Điều này dẫn tới vốn huy động của ngân hàng tăng lên, cộng với nhịp thứ hai là nhu cầu vốn vay của thị trường không tăng nhanh, lượng vốn hút ra lưu thông chậm hơn dẫn tới thanh khoản trên thị trường sẽ cao lên.
Tuy nhiên, đây là tín hiệu tốt, đặc biệt là khi chúng ta vừa trải qua giai đoạn thanh khoản cực kỳ khó khăn. Giai đoạn này đang hỗ trợ cho sự ổn định và vững chắc trở lại cho ngành ngân hàng.
– Theo ông thì lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm hay không?
Theo tôi, lãi suất tiết kiệm sẽ có xu hướng giảm. Lãi suất tiết kiệm giảm sẽ tạo thành lực hỗ trợ rất bền vững cho việc giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ nền kinh tế.
Ví dụ như đợt trước, do dư luận, do yêu cầu, do cộng đồng doanh nghiệp… mà các ngân hàng phải giảm lãi suất. Thế nhưng, cách giảm này là không bền vững. Chỉ khi nào các ngân hàng giảm lãi suất huy động (lãi suất đầu vào), giảm lãi suất đầu ra mới trở nên bền vững.
Và giống như mọi người hay nói “thừa tiền” ấy, chỉ khi nào thị trường có thanh khoản dồi dào, khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế mới mạnh mẽ được.
– Ông có nhận định gì về lãi suất cho vay mua nhà từ nay đến cuối năm? Tại sao lãi suất đã giảm mạnh nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn không mấy “mặn mà”?
Tôi nghĩ cuối năm, lãi suất cho vay mua nhà sẽ giảm nhưng giảm ở mức độ nào tùy thuộc vào thị trường. Còn lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp đã giảm rất sâu rồi. Bây giờ vay vốn lưu động lãi suất chỉ 7 – 8%, không thời hạn chỉ 8 – 9%. Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ giảm tiếp nhưng không sâu như thời gian vừa rồi.
Mọi người cứ để ý thử xem, lãi suất trước dịch cũng đang ngang bằng với bây giờ không, thậm chí lãi suất còn giảm hơn. Thế nhưng đâu phải cứ lãi suất rẻ là người ta đi vay đâu. Nó phụ thuộc vào hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có nhu cầu sản xuất hàng hóa, đầu ra tốt thì họ mới vay. Nhưng nhu cầu sản xuất giảm, nhu cầu vay sẽ giảm.
Có thể thấy thị trường đang biến động khôn lường. Bản thân các doanh nghiệp cũng chuyển từ thế “công” sang “thủ”, họ sẽ giảm bớt các gánh nặng về tài chính. Doanh nghiệp nào vay nợ nhiều sẽ giảm vay nợ đi để đề phòng những lúc thị trường biến động xấu.
Ngược lại, những lúc thị trường tăng trưởng, doanh nghiệp sẽ vay vốn nhiều hơn. Đây là phản ứng rất là đúng, nó thể hiện nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt có độ trưởng thành rất là cao.
– Ông có nhận xét gì về tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay?
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng tôi nghĩ quý 3 này sẽ có sự cải thiện tốt.
Hiện nay, thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều gặp khó khăn, thị trường Trung Quốc cũng chưa thực sự mở hoàn toàn… Đây là những thị trường lớn của Việt Nam nhưng họ vẫn đang thận trọng, người tiêu dùng giảm chi tiêu dẫn đến sự cải thiện xuất khẩu của chúng ta sẽ chậm lại. Khi xuất khẩu chậm, doanh nghiệp sẽ vay nợ ít hơn, làm ăn thận trọng hơn. Điều này đúng và ngân hàng cũng yên tâm.
– Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, ngân hàng OCB đang làm gì để thúc đẩy tín dụng cuối năm và đạt mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận?
Tôi nghĩ thị trường dù khó khăn thì vẫn có những cách để thúc đẩy kinh doanh. Giống như chúng ta nhìn ra một tuyến phố vậy, dù có nhiều mặt bằng bị trả lại vì kinh doanh ế ẩm thì cũng có những cửa hàng vẫn tấp nập khách, buôn bán thuận lợi.
Thị trường dẫu có khó nhưng không phải tất cả mọi người đều khó. Vấn đề của ngân hàng cũng như các doanh nghiệp trên thị trường là phải tìm được chỗ mà nhu cầu vẫn còn, tăng trưởng vẫn tốt. Đây là cái thuộc về cách kinh doanh của từng ngân hàng.
– Cụ thể, cách kinh doanh của OCB là gì?
Từ trước đến nay, chúng tôi rất nhất quán trong chiến lược. Chúng tôi phục vụ cho tất cả các đối tượng khách hàng, ai đến chúng tôi cũng phục vụ. Tuy nhiên, OCB cũng sẽ tập trung vào một số phân khúc ưu tiên. Chúng tôi sẽ dành thời gian đầu tư, nghiên cứu tập quán của khách hàng, hiểu rõ chi tiết cấu trúc của phân khúc đó.
Cụ thể, OCB có những phân khúc cơ bản như: những người thu nhập trung bình – khá (viên chức, người kinh doanh, buôn bán, công nhân…); các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đây là những phân khúc khách hàng lớn mà chúng tôi tập trung đầu tư, nghiên cứu. Chính vì việc mỗi năm chúng tôi đều đầu tư, nghiên cứu nên chúng tôi ngày càng thấu hiểu khách hàng của mình hơn.
Chúng tôi có thể phân tích bằng cả trực quan lẫn phân tích bằng dữ liệu để đưa ra những đánh giá chính xác nhất và phục vụ phù hợp nhất. Lúc khó khăn hay lúc thuận lợi, chúng tôi cũng vẫn đồng hành với họ.
Hiện nay, nhiều người vẫn nói khách hàng không có nhu cầu vay vốn, thế nhưng tôi nhận thấy, từ đầu năm 2023 đến nay có rất nhiều hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng kinh doanh khối bán lẻ của ngân hàng chúng tôi rất tốt.
Đối với phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng có những ngành đang rất khó nhưng cũng có những ngành đang phát triển rất tốt. Điển hình như ngành thi công, xây dựng. Nếu các nhà thầu xây dựng các dự án căn hộ cao cấp gặp nhiều khó khăn thì các nhà thầu thi công hạ tầng, làm đường, cầu, cống đang khá thuận lợi, tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Nhu cầu vốn của các nhà thầu xây dựng hạ tầng cũng rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ bám sát các thị trường này. Khi theo sát khách hàng, chúng tôi sẽ hiểu được khách hàng nào đang kinh doanh ổn định, khách hàng nào đang có nhu cầu vốn cao và khách nào đang gặp khó khăn để có cách chia sẻ phù hợp.
– Các ngân hàng thường chuẩn bị nguồn vốn cho những tháng cuối năm ra sao, thưa ông?
Ngành ngân hàng luôn có kế hoạch huy động vốn từ rất sớm so với việc cho vay. Không chờ đến lúc cho vay mới tiến hành huy động. Tập quán kinh doanh của ngành ngân hàng khác so với những ngành khác. Đối với ngành khác, khi bán được hàng, họ mới đi mua hàng. Còn ngành ngân hàng luôn phải có “hàng hóa” dự trữ trước, tức vốn phải có trước.
Ví dụ, giai đoạn này nguồn thanh khoản dồi dào, mà thanh khoản tốt thì đây chính là tiền đề cho giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau, khi nền kinh tế có sự tăng trưởng trở lại. Khi đó, điều kiện bơm vốn của ngân hàng ra thị trường sẽ tốt hơn.
– Theo ông, nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những bước cải thiện trong những tháng cuối năm?
Nếu nhìn ở các yếu tố trong nước, tôi tin rằng kinh tế sẽ có sự cải thiện. Điển hình như đầu tư công đang phát huy tác dụng, các chỉ số tiêu dùng trong nước vẫn đang tăng trưởng tốt, không ai còn lo đến các chỉ số lạm phát, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có hàng loạt biện pháp kích thích sản xuất kinh doanh. Đây là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!