IDP chi 600 tỷ lập công ty sữa ở Hưng Yên sau khi ngừng “ôm mộng” làm bất động sản
HĐQT CTCP Sữa Quốc tế (UPCoM: IDP) vừa thông qua việc góp 100% vốn thành lập công ty con là Công ty TNHH Sữa Quốc Tế – Hưng Yên (IDP Hưng Yên) với vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Động thái này diễn ra sau khi IDP giải thể xong một công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản sau 9 tháng thành lập.
IDP Hưng Yên sẽ hoạt động trong lĩnh vực chính là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Trụ sở của Công ty đặt tại đường N2A, khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
HĐQT Sữa Quốc Tế bổ nhiệm ông Tô Hải (sinh năm 1973) giữ chức vụ Chủ tịch Công ty IDP Hưng Yên, đồng thời cũng là người đại diện sở hữu 70% phần vốn góp của IDP tại công ty con này.
Bên cạnh đó, bổ nhiệm bà Đặng Phạm Minh Loan (sinh năm 1977) giữ vị trí Tổng Giám đốc và bà Chu Hải Yến (sinh năm 1977) giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc IDP Hưng Yên. Đây cũng là 2 người đại diện pháp luật của Công ty, trong đó bà Loan là người đại diện 30% phần vốn góp còn lại của IDP.
Đáng chú ý, cả 3 người trên đều là lãnh đạo cấp cao của Sữa Quốc Tế. Trong đó, ông Tô Hải hiện là Chủ tịch HĐQT, còn bà Loan là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và bà Yến là Phó Tổng Giám đốc.
Hiện tại, Sữa Quốc Tế đang sở hữu 3 nhà máy chế biến sữa tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Ba Vì (Hà Nội) và Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi, TPHCM. Ngoài ra, Công ty đang tiến hành xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, với quy mô 300,000 tấn sản phẩm/năm.
Trước đó, vào tháng 5/2023, HĐQT Sữa Quốc Tế đã thông qua việc giải thể một công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, là CTCP Đầu tư Green Light với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó IDP sở hữu 99.98% vốn. Công ty cho biết mục đích giải thể nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Chiều ngược lại, cuối tháng 6/2023, HĐQT IDP đã thông qua việc mua phần vốn góp và góp thêm vốn tại Công ty PT Produk Susu Internasional (trụ sở tại Indonesia), hoạt động trong lĩnh vực bán buôn sữa và các sản phẩm từ sữa.
Theo đó, IDP sẽ nhận chuyển nhượng 49,950 phần vốn góp Produk Susu Internasional, chiếm 99.9% vốn điều lệ từ cổ đông Raditya Adhi Pradana với giá hơn 49.9 triệu Rp, tương đương 3,366 USD (khoảng 80 triệu đồng).
Sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp, IDP dự kiến góp thêm hơn 1.49 triệu USD (35 tỷ đồng) vào Produk Susu Internasional để tăng vốn điều lệ Công ty lên 1.5 triệu USD. Thời hạn góp vốn là theo quy định pháp luật của Indonesia và Việt Nam.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2023, IDP ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3,332 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lãi ròng gần như đi ngang ở mức 452 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá IDP lập đỉnh lịch sử 319,900 đồng/cp vào phiên 30/06, đồng thời nằm trong top cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán. Dù vậy, cổ phiếu này khớp lệnh rất ảm đạm trên UPCoM với chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.
Kể từ khi tạo đỉnh, cổ phiếu IDP chứng kiến cảnh trượt dài liên tiếp và rơi xuống mức 224,200 đồng/cp (kết phiên 11/10), giảm 30% so với đỉnh, nhưng đã tăng 25% so với hồi đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu IDP từ đầu năm 2023 đến nay | ||
|
Với diễn biến trên, từ ngày 22-25/09/2023, ông Đinh Quang Hoàn – Thành viên HĐQT Sữa Quốc tế báo cáo đã mua xong 1.5 triệu cp IDP như đăng ký, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 2.44%. Trước giao dịch, ông Hoàn không sở hữu cổ phiếu IDP nào.
Trong hai phiên 22 và 25/09 ghi nhận 1.5 triệu cp IDP được giao dịch thỏa thuận (đúng bằng khối lượng ông Hoàn báo cáo), giá trị giao dịch đạt 229.5 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 153,000 đồng/cp – thấp hơn khá nhiều so với thị giá hai phiên 22-25/09. Như vậy, khả năng cao vị này đã nhận sang tay cổ phiếu IDP để trở thành cổ đông lớn tại đây.
Thế Mạnh