PGS. TS Trần Đình Thiên lý giải, bắt nguồn từ xuất phát điểm thấp và lịch sử phát triển chưa dài của KTTN, suốt một thời gian dài, khu vực này chưa được giải phóng tiềm năng, và vẫn còn tâm lý e dè, sợ rủi ro. Từ đó hình thành nên một “tầm văn hóa” đặc trưng: manh mún, nhỏ lẻ, chưa sẵn sàng nhập cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Nhưng dòng chảy phát triển đã thay đổi, với những thay đổi được đưa ra trong Nghị quyết 68, doanh nghiệp tư nhân, và đặc biệt là DNNVV không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải thay đổi, chủ động, sáng tạo, không thụ động chờ thời. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, họ “buộc phải nghĩ lớn, hành động lớn và cạnh tranh ở tầm quốc tế”.
Trong bối cảnh kinh tế tư nhân – đặc biệt là khối DNNVV đang được nhìn nhận như một động lực quan trọng của nền kinh tế, việc ban hành Nghị quyết 68 cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong tư duy phát triển. Vậy đâu là bước ngoặt lớn nhất mà Nghị quyết này mang lại, giúp DNNVV thay đổi tư duy từ tồn tại sang bứt phá trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay?
Để chuyển từ tư duy “chỉ tồn tại” sang “bứt phá phát triển”, điều quan trọng chính là sự thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với khu vực KTTN. Từ chỗ chỉ coi đây là một thành phần kinh tế thông thường, nay đã khẳng định vai trò và vị thế của khu vực này như một trụ cột tăng trưởng quan trọng nhất. Chính sự thừa nhận đó đã tạo ra một vị thế mới, đó là doanh nghiệp tư nhân không còn đơn thuần là tồn tại, mà phải lớn mạnh, phải phát triển để đáp ứng vai trò mới mà xã hội kỳ vọng. Đây chính là một bước ngoặt rất lớn.
Về mặt tư tưởng, việc thừa nhận vị thế này cũng giúp đất nước thoát khỏi những ràng buộc giáo điều kéo dài, những định kiến cho rằng KTTN không quan trọng. Có thể nói rằng đây là bước thoát khỏi “vòng kim cô”, một cách nghĩ đã trói chặt nhận thức xã hội suốt một thời gian dài. Khi tư duy thay đổi, cơ chế và chính sách cũng thay đổi theo, tạo điều kiện để khu vực KTTN, trong đó có các doanh nghiệp tư nhân, phát triển mạnh mẽ đúng với tinh thần bứt phá, nhằm khẳng định vai trò đã được khẳng định đó.
Ông từng đề cập rằng DNNVV cần bỏ tư duy làm ăn “ngắn hạn, tủn mủn”. Làm thế nào để Nghị quyết 68 giúp họ thay đổi tư duy này một cách thực chất?
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực mới, tâm thế mới. Sau một thời gian dài bị ràng buộc bởi sự phân biệt đối xử và cơ chế “xin – cho” sinh ra tâm lý mang ơn, nay DNNVV dần thoát khỏi những trói buộc đó, thay đổi cách tiếp cận, chủ động, sáng tạo, không thụ động chờ thời.
Hiện nay, cách tiếp cận mới đang dần làm thay đổi toàn bộ hệ giá trị và văn hóa trong môi trường kinh doanh. Tất nhiên, để sự thay đổi này diễn ra một cách triệt để thì cần có thời gian. Tuy nhiên, chính sức mạnh của một môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng cạnh tranh tự do và bình đẳng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, dù vẫn còn nhỏ và gặp nhiều khó khăn vẫn có thể xác lập và khẳng định vị thế của mình, tâm thế bình đẳng.
Khi vị thế ấy được công nhận, cách ứng xử của doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ thay đổi rõ rệt, không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trong đời sống và cả quá trình đóng góp, cống hiến cho xã hội.
Nghị quyết 68 được đánh giá là sẽ tháo gỡ rất nhiều nút thắt cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, trong đó có những vấn đề rất căn cơ như vốn, quản lý nhà nước, công nghệ… Doanh nghiệp Việt nên tận dụng đòn bẩy này như thế nào?
Nếu các điều kiện được mở ra một cách thuận lợi, thì doanh nghiệp sẽ tự xác định được cách tiếp cận vốn, cách giải quyết vấn đề công nghệ hay nguồn nhân lực như thế nào cho phù hợp.
Về vốn, hiện nay, chủ trương là mở rộng, không đặt giới hạn nào đối với khu vực tư nhân. Đây là điều doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý. Tất nhiên, nói không giới hạn không có nghĩa là buông lỏng hoàn toàn mà là Nhà nước cần dỡ bỏ các rào cản còn tồn tại, chẳng hạn như điều kiện tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, các thủ tục về thuế, bảo lãnh… Tất cả những yếu tố đó cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp muốn có cơ hội tiếp cận vốn tốt, thì cần có đội ngũ nhân lực chất lượng, có thị trường rõ ràng, có kế hoạch kinh doanh thuyết phục. Chỉ khi doanh nghiệp chủ động, tích cực cải thiện nội lực thì mới có thể tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài một cách thực chất và bền vững.
Một trong những rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp chính là khả năng tiếp cận nguồn lực cả về vốn và công nghệ. Ông đánh giá thế nào về vai trò của các ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân giải quyết các nút thắt về vốn, đặc biệt là chính các ngân hàng tư nhân?
Hệ thống ngân hàng, như chúng ta đã thấy, có sự phân vai rõ ràng, trong đó các ngân hàng tư nhân, dù ra đời muộn hơn, đã nhanh chóng khẳng định vai trò trong việc phục vụ khu vực kinh tế tư nhân. Đây là một điều kiện nền tảng và động lực quan trọng thúc đẩy sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân.
Các ngân hàng tư nhân cũng là một trong những lực lượng tiên phong đổi mới, ứng dụng công nghệ. Không chỉ các ngân hàng thương mại nhà nước mà chính các ngân hàng tư nhân, tôi lấy ví dụ ngân hàng ACB, đã mở ra những hướng đi mới, mang tính đột phá.
ACB không chỉ đi trước, mà còn tiên phong hành động, với những cách tiếp cận mở ra con đường mang tính đột phá. Quy mô và phương thức phục vụ của ACB, không chỉ tập trung vào tín dụng mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như chuyển đổi số và các giải pháp tài chính toàn diện. Điều này khẳng định vị thế tiên phong và vai trò dẫn dắt của ACB, thể hiện sự kiên định trong việc đồng hành cùng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Song, tôi cho rằng ngân hàng tư nhân cũng cần mở rộng phạm vi hoạt động một cách tích cực hơn. Dù đã chuyển đổi mạnh mẽ sang những không gian phát triển mới, như ngân hàng số, nhưng để cạnh tranh toàn cầu, ngân hàng cần định vị mình trong không gian quốc tế, vượt ra khỏi phạm vi nội địa. Công nghệ số đã xóa nhòa biên giới, và các ngân hàng như ACB cần tận dụng cơ hội này để khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu, tạo ra những cơ hội đột phá, cũng như tiếp tục dẫn dắt và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Bối cảnh tín dụng ngành ngân hàng năm nay tăng trưởng rất tích cực và mục tiêu cả năm cũng khá cao là 16% có phải là tín hiệu tốt cho các DNNVV trong tiếp cận vốn?
Về nguyên tắc, con số này cho thấy một cơ hội, hay ít nhất là một tiềm năng để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để biến tiềm năng đó thành hiện thực luôn cần đi kèm với điều kiện. Ngân hàng có quyền đặt ra các điều kiện cho vay, nếu không đáp ứng được các tiêu chí nhất định, ngân hàng có quyền từ chối.
Vì vậy, nếu muốn tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chủ động làm sạch bảng cân đối của mình, minh bạch và lành mạnh hóa tình hình tài chính để có thể thuyết phục ngân hàng rằng họ đủ điều kiện vay vốn. Không thể kỳ vọng rằng dòng vốn sẽ tự nhiên chảy vào doanh nghiệp mà không cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự sau nhiều năm gồng mình. Thị trường hiện tại cũng rất khắc nghiệt và khó khăn trong tiếp cận vốn không phải do điều kiện khắt khe từ ngân hàng mà đến từ bối cảnh chung.
Do đó, việc Nhà nước nên thiết kế các cơ chế hỗ trợ như bảo lãnh tín dụng, giúp ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay, vì đã có một phần rủi ro được chia sẻ, là điều cần thiết để ổn định nền kinh tế vĩ mô. Nếu không có sự hỗ trợ đó, dù tín dụng có tăng trưởng thì cũng khó thúc đẩy được tăng trưởng GDP. Trong nhiều trường hợp, tín dụng tăng mà không đi liền với tăng trưởng thực sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn vĩ mô. Đây là điều rất đáng lưu ý!
Ví dụ, nếu dự án đáp ứng 80% tiêu chí an toàn, 20% còn lại nên được Nhà nước bảo lãnh và được giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây là cách phối hợp hợp lý giữa doanh nghiệp, ngân hàng và Nhà nước bảo đảm dòng vốn chảy đúng nơi và an toàn cho hệ thống tài chính.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nhưng việc tiếp cận vốn vẫn gặp rào cản, nhiều ý kiến đặt ra lo ngại rằng các chính sách ưu đãi trong Nghị quyết 68 có thể vô tình tạo lợi thế cho doanh nghiệp có mối quan hệ thân hữu. Ông nghĩ gì về nguy cơ này, và làm thế nào để đảm bảo các chính sách được phân bổ công bằng, minh bạch cho khu vực DNNVV?
Trong kinh tế học, luôn tồn tại sự đánh đổi, không có gì là trọn vẹn, rất khó khi tạo thuận lợi cho bên này mà không thiệt cho bên kia, và đều tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng hoặc trở thành công cụ tạo ra “sân sau”. Tuy nhiên, bản thân chính sách không tự sinh ra những hệ quả tiêu cực, để tránh hệ quả xấu, cần có các điều kiện bổ sung đi kèm, đó là nguyên lý căn bản.
Do đó, không thể cho rằng các quy định trong Nghị quyết 198, văn bản cụ thể hóa của Nghị quyết 68 tạo ra sân sau. Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 68 là phạm vi hỗ trợ không chỉ dừng lại ở DNNVV, mà còn mở rộng sang các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp có định hướng vươn ra toàn cầu (go global). Chính điều này cho thấy sự thay đổi tư duy, không còn thiên vị, độc đoán, mà là tạo điều kiện để mỗi loại hình doanh nghiệp có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình.
Ví dụ, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn tiếp cận các dự án quy mô quốc gia là rất hợp lý. Chúng ta cần những doanh nghiệp trụ cột đủ sức gánh các công trình lớn để dẫn dắt doanh nghiệp Việt trưởng thành. Tuy nhiên, nếu xuất hiện hành vi lợi dụng tạo sân sau, mục tiêu ban đầu sẽ bị lệch hướng. Do đó, cần ràng buộc rõ ràng, đặc biệt là minh bạch trong cách giao nhiệm vụ.
Hiện nay, cơ hội dành cho doanh nghiệp rất nhiều. Việc một doanh nghiệp không được chọn cho dự án này không có nghĩa là không còn cơ hội khác. Ví dụ rõ ràng nhất là lĩnh vực đường sắt cao tốc, thiếu gì đường sắt, như Hà Nội đang có kế hoạch hơn 400 – 500 km đường sắt trong vòng 10 – 15 năm tới mà sao doanh nghiệp không xông vào đấy. Hay như TP.HCM cũng có nhu cầu phát triển 400 – 500 km đường sắt trên cao. Ngoài ra còn vô số công trình khác đang chờ được thực hiện.
Qua đó thấy được không phải là chỉ một vài doanh nghiệp được hưởng lợi từ một vài dự án, còn những cơ hội khác. Quan trọng là cần có cơ chế phân bổ cơ hội hợp lý, minh bạch để tạo điều kiện cho lực lượng doanh nghiệp Việt cùng lớn mạnh.
Nghị quyết 68 khuyến khích DNNVV tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Với hạn chế về quy mô và nguồn lực, đâu là điểm tựa thực tế nhất để họ kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, và Nhà nước nên hỗ trợ quá trình này như thế nào?
Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân không chỉ đến từ quy mô nhỏ hay thiếu điều kiện quản trị, mà trước hết là do trình độ chưa tương thích..
Một phần lý do là vì doanh nghiệp trong nước lâu nay vẫn quen với cách làm tự phát, nhỏ lẻ và ở trình độ thấp. Họ thiếu năng lực, thiếu tinh thần chủ động tiếp cận, thiếu cả môi trường cạnh tranh để thử sức trước khi hội nhập vào chuỗi toàn cầu.
Bên cạnh đó, nhược điểm này còn gặp trở ngại nữa là các doanh nghiệp nước ngoài cũng thường có xu hướng ưu tiên hợp tác với “doanh nghiệp sân sau” – những đối tác cùng quốc tịch, đây vốn là điều hết sức bình thường trong kinh doanh quốc tế. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt lại là người mới, còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đủ mọi thứ nên chắc chắn chưa sẵn sàng nhập cuộc.
Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay còn rất ít, và nếu có thì chủ yếu chỉ đảm nhận những công đoạn đơn giản, giá trị thấp. Để phá vỡ tình trạng này, không còn cách nào khác ngoài việc phải chủ động cạnh tranh, chủ động tiếp cận và nâng cao năng lực. Có thể thể hiện rằng mình có chất lượng tương đương nhưng giá thành thấp hơn, hoặc đảm bảo tiến độ giao hàng tốt hơn đối thủ hiện tại.
Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng. Theo tôi, con đường khả thi và quan trọng nhất chính là Việt Nam phải xây dựng được các chuỗi giá trị của riêng mình, để các doanh nghiệp Việt mời gọi, hỗ trợ nhau tham gia, từ đó tích lũy đủ mạnh, từng bước thâm nhập vào chuỗi toàn cầu.
Để làm được điều này, vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân lớn là vô cùng quan trọng. Hiện nay, những mô hình như vậy đã bắt đầu hình thành. Ví dụ, các chuỗi nông sản của TH, Vinamilk; trong lĩnh vực công nghiệp ô tô có Thaco và gần đây là VinFast với tham vọng toàn cầu cùng những kết quả tích cực bước đầu. Ở các lĩnh vực khác, như công nghệ, có thể kể đến FPT và một số tập đoàn đang xây dựng các chuỗi giá trị riêng.
Con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhưng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, từ gỡ rào thể chế, chia sẻ rủi ro tín dụng, đến xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, tạo ra một lực lượng doanh nghiệp có năng lực “dẫn dắt chuỗi” thì doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới. Họ không chỉ tồn tại, mà còn phải bứt phá, khẳng định tầm vóc và vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cảm ơn ông!
Nhịp sống thị trường