Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến đề xuất của Doanh nghiệp Xuân Trường về việc xây dựng sân bay quốc tế, dự kiến tại huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định cũ) hoặc địa điểm do bộ khảo sát và đề xuất.
Theo đề xuất của doanh nghiệp, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh Ninh Bình (sau sáp nhập) và vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Tại báo cáo, Bộ Xây dựng đánh giá, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ mở ra hướng phát triển mới, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và dịch vụ vận tải. Nhu cầu quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm phát triển kinh tế – xã hội của địa phương là chính đáng.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không. Do vậy, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất.

Cơ quan này cũng cho biết, Quy hoạch hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648 (ngày 7/6/2023) đã xác định 12 vị trí cảng hàng không tiềm năng; đây là các vị trí đã được nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các yếu tố kỹ thuật để hình thành cảng hàng không.
Trong đó, 3/12 vị trí đã được các địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không (Gia Bình – Bắc Ninh, Măng Đen – Kon Tum, Vân Phong – Khánh Hòa) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không.
Nội dung các đề án đã đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí hình thành cảng hàng không, bảo đảm tính khả thi để bổ sung quy hoạch và làm cơ sở nghiên cứu đầu tư.
“Tại khu vực tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), Quy hoạch hệ thống cảng hàng không chưa xác định vị trí tiềm năng quy hoạch cảng hàng không”, Bộ Xây dựng nêu rõ.
Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ cơ sở bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới, Bộ Xây dựng đề xuất cấp có thẩm quyền giao UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ thành lập tổ công tác chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và tư vấn lập, trình duyệt Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thời gian tới, cơ quan này cũng chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không để bảo đảm phù hợp với tình hình mới.
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới. Trên cơ sở đề án do UBND tỉnh Ninh Bình lập, Bộ Xây dựng sẽ triển khai các thủ tục điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo đúng quy định pháp luật.
Xây 2 trục đường chính và 9 cầu
Ngoài đề xuất xây sân bay quốc tế, Doanh nghiệp Xuân Trường còn kiến nghị xây dựng 2 trục đường chính từ Di sản Tràng An, Bái Đính (trung tâm Ninh Bình đến Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam) với 8 làn xe và 9 cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long. Thời gian thi công không quá 12 tháng.
Nguồn vốn đầu tư cũng từ ngân sách tỉnh Ninh Bình (sau sáp nhập) và vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, không sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Về đề xuất này, Bộ Xây dựng cho rằng, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, việc nghiên cứu đầu tư bổ sung hệ thống hạ tầng giao thông kết nối là cần thiết.
Theo quy định, việc đầu tư xây dựng các trục đường chính và các cầu trên sông Đáy, sông Hoàng Long phải phù hợp với quy hoạch tỉnh và thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh).
Tại văn bản số 1100 (ngày 30/6/2025), UBND tỉnh Ninh Bình đã nhận định nội dung này thuộc trách nhiệm của địa phương và đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn khẩn trương rà soát quy hoạch tỉnh làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển.
Bộ Xây dựng thống nhất với ý kiến của UBND tỉnh Ninh Bình và sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp, hướng dẫn tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.
Trước khi đề xuất đầu tư các dự án hạ tầng trên tại Ninh Bình, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường được biết tới là chủ đầu tư xây dựng những công trình du lịch tâm linh quy mô lớn như: Khu du lịch Tràng An – Bái Đính rộng 12.000ha, Khu du lịch Tam Chúc rộng 5.200ha, và nhiều công trình giao thông trên cả nước.

Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường kiến nghị xin đầu tư sân bay quốc tế, 2 tuyến đường trục và 9 cây cầu tại khu vực tỉnh Ninh Bình mới, chỉ dùng ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

Dự kiến từ tháng 2/2024, CTCP Nam Tam Đảo do đại gia Lê Xuân Trường làm Tổng Giám đốc sẽ triển khai Khu du lịch sinh thái số 2 có quy mô 68ha, nằm trong Vườn quốc gia Tam Đảo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao 3 bộ báo cáo và khẳng định rõ về điều kiện và thẩm quyền của việc giao đất đã giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện 3 dự án BT tại tỉnh Thái Nguyên đã đúng quy định pháp luật chưa?