Cụ thể, Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã tăng 300 nghìn đồng/lượng đối với giá vàng miếng SJC so với hôm qua, hiện niêm yết 78,0-80,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn giảm tiếp 100 nghìn đồng mỗi lượng xuống 67,8-69,1 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu hiện niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 78,05—79,90 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 600 nghìn đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn đi ngang ở mức 68,33-69,63 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI cũng nâng giá vàng miếng SJC lên 78,1-80,1 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn trơn xuống còn 68,3-69,3 triệu đồng/lượng.
Như vậy trong tuần qua, giá vàng trong nước biến động khá mạnh. Giá vàng nhẫn trơn có thời điểm xuống mức 68,5 triệu đồng/lượng vào hồi giữa tuần. Loại vàng này sau đó bất ngờ đảo chiều hồi phục tăng dựng đứng 1-1,5 triệu đồng/lượng trong sáng 21/3 lên 70,5 triệu đồng/lượng nhưng sau đó lại nhanh chóng quay đầu giảm.
Việc giá vàng biến động mạnh và chênh lệch giá mua – giá bán nới rộng khiến nhà đầu tư mua vào trong tuần qua chịu nhiều rủi ro. Chẳng hạn người mua vàng nhẫn sáng 21.3 với giá 70,5 triệu đồng thì hiện nay bán ra chỉ được giá khoảng 68 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tuần qua tăng vọt lên 2.200 USD/ounce sau cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20/3. Cụ thể. FED giữ nguyên lãi suất cao nhất 23 năm và dự kiến có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Những quy định về quản lý thị trường vàng trong nước dự kiến sẽ có những thay đổi lớn trong thời gian tới và điều này có ảnh hưởng đáng kể tới kỳ vọng của những nhà đầu tư ưa thích vàng. Trưa ngày 20/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trong tháng 3 năm 2024.
Sau công điện của Thủ tướng, chiều ngày 20/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các bộ, ngành về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng.