Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Các-bon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc. Nguồn lực yêu cầu để có thể thực hiện được cả hai mục tiêu trên là rất lớn, đòi hỏi sự sự tham gia quyết liệt của các bộ ban ngành và sự chung tay, chia sẻ và hỗ trợ từ nhiều tổ chức, định chế tài chính trong nước và quốc tế.
Là ngành dẫn dắt nền kinh tế khi cung cấp, điều phối nguồn vốn dựa trên quy trình thẩm định rủi ro chặt chẽ, các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Số liệu tổng hợp từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho thấy, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đi đầu trong việc giảm thiểu phát thải C02, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên trong hoạt động nội bộ.
Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để các TCTD góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia như: Phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, xây dựng Thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỉ trọng dư nợ tín dụng xanh,…
Các tổ chức tín dụng cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh. Những ngân hàng đi đầu trong việc triển khai chiến lược phát triển xanh có thể kể đến như ACB, SHB, HSBC,….
Là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất, đến nay, ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hoá ngân hàng, đó là: Tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ACB đang hợp tác với một số đối tác quan trọng nhằm thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài trợ xanh. Dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ công bố các khoản vay xanh.
Trong hoạt động nội bộ, ACB luôn kiểm soát để tối ưu lượng xăng sử dụng, đáp ứng yêu cầu cần thiết của công việc. Từ đó hạn chế được khí thải ra môi trường đến từ các phương tiện di chuyển. Ngoài ra, ACB đã có kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu phát thải từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Và trong tương lai, ACB sẽ có thêm những công trình xanh thân thiện với môi trường như ESG Space.
Tại chiến lược chuyển đổi giai đoạn 2022 – 2027 của SHB, tăng trưởng tín dụng xanh cũng là một phần quan trọng của kế hoạch hành động tổng thể về phát triển bền vững. Kế hoạch hành động được SHB triển khai đồng bộ theo lộ trình cụ thể, từ nâng cao nhận thức cán bộ nhân viên, đối tác, khách hàng về tầm quan trọng của tín dụng xanh; cải cách các quy định, quy trình, cơ chế cho đến “may đo” các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh.
Những năm qua, tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ của SHB có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, gần 10%/năm, và có xu hướng phát triển hơn nữa. Tiêu biểu như năm 2021, thông qua Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (VSUEE) do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), WB và SHB đã ký Hợp đồng bảo lãnh GCF với tổng giá trị 75 triệu USD, …
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, SHB luôn kiểm soát hoạt động an toàn, bền vững. Các dự án khi được SHB lựa chọn tài trợ vốn phải đáp ứng được các điều kiện khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế và trong nước về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
Trong hoạt động nội bộ, việc đào tạo, tuyên truyền cũng liên tục được SHB đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân viên về bảo vệ môi trường nơi làm việc, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Với cương vị là ngân hàng quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, HSBC có tham vọng mạnh mẽ trong việc thu xếp vốn xanh, vốn bền vững để phục vụ các doanh nghiệp và nền kinh tế. Sau khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26 về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, HSBC Việt Nam cũng đưa ra tham vọng hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD cho thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030. Đến nay, ngân hàng này đã hỗ trợ thu xếp được 16%, tương đương gần 2 tỷ USD. Nguồn vốn của HSBC đi vào rất nhiều các dự án trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, HSBC cũng có những chuyển đổi đối với hoạt động của chính mình với tham vọng giảm lượng phát thải xuống bằng 0 vào năm 2030, cũng như điều chỉnh lượng phát thải tương tự từ danh mục khách hàng của HSBC cho đến năm 2050.
Ngoài những ngân hàng nổi bật nêu trên, các tổ chức tín dụng khác cũng thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh.
Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do Trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, cùng sự đồng hành về chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, và sự hỗ trợ về tổ chức của các doanh nghiệp: ACB, Manulife, Masan Group, XanhSM, HSBC Việt Nam, SHB, Gamuda, T&T Group và Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling).
– Thời gian: 8h00-11h30 thứ Tư ngày 22/11/2023
– Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.
–Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và Ông Phạm Hải Âu – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro của PwC Việt Nam.
Mọi thông tin liên quan đến Hội thảo xin vui lòng liên hệ email: info@cafef.vn