Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
CẦN CÁC CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ THÀNH PHỐ HUẾ TRỞ THÀNH CỰC TĂNG TRƯỞNG CỦA KHU VỰC
Phát biểu định hướng một số nội dung liên quan đến tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu. Trung ương đã bàn bạc và thống nhất cho rằng quan trọng nhất là có đủ các căn cứ và tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, Nhà nước cũng phải tính toán cơ cấu vùng, khu vực để thành phố Huế trở thành một cực tăng trưởng của khu vực.
Hiện nay, chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nếu Quốc hội thông qua Đề án này sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố này đều đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế xã hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: thành phố trực thuộc trung ương phải có triển vọng phát triển, đầu tư thành phố tức là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực. Theo đó, phải có nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt vì thành phố là cực tăng trưởng nên phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, đi đầu trong phát triển kinh tế- xã hội.
Về mục tiêu phát triển, Tổng Bí thư cho rằng cần quan tâm đến sự phát triển bền vững và hài hòa. Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập Thành phố Huế thuộc Trung ương và nhận thấy đủ tiêu chí. Còn còn những điểm hạn chế cần đưa ra cùng thảo luận, tháo gỡ, ví dụ như nếu lên thành phố sẽ phải đối mặt và vượt qua những khó khăn nào…
Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa…
Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp. Hải Phòng, Tổng Bí thư cho biết có một số đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị, bộ máy quản lý nhà nước làm sao hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư khẳng định, đây là vấn đề rất lớn, Trung ương đang tập trung bàn thảo làm sao tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; không hình thức để đảm bảo đúng thực chất.
Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đã đánh giá, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp và tinh gọn. Thời gian qua, chúng ta mới sáp nhập từ dưới lên, xã, huyện, một số bộ, ngành, vụ, cục, tổng cục. Trung ương tinh gọn thì địa phương sẽ tinh gọn song cách thức tiến hành như thế nào là vấn đề rất lớn, phải tính đến.
TẠO ĐỘT PHÁ MỚI ĐỂ THÀNH PHỐ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng, đoàn Hà Nam, cho rằng việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương hoàn toàn bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan; đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Việc thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo tiền đề để Thành phố Huế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.
Nhất trí với các kiến nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và những lợi thế của Thành phố Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, có những cơ chế tạo đột phá mới để thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững.
Đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, chỉ rõ Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược tại miền Trung, kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận và có tiềm năng phát triển thành trung tâm kinh tế- văn hóa- du lịch của vùng. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều tiêu chí của đô thị loại I, là tiền đề để chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc trở thành thành phố trực thuộc trung ương đòi hỏi Huế phải có quy hoạch đô thị phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ và bền vững. Do vậy, thành phố cần quan tâm đến việc mở rộng không gian đô thị, phân khu chức năng hợp lý, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo hoặc sử dụng đất không hiệu quả. Hạ tầng giao thông, điện nước, viễn thông và các dịch vụ công phải được nâng cấp tương xứng với vị thế mới của thành phố.
Bên cạnh đó khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương, sẽ đặt ra yêu cầu cho thành phố phải tăng cường tự chủ về tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Do vậy, thành phố cần xây dựng các chính sách nhằm tối ưu hóa nguồn thu ngân sách, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách cho đầu tư công, đảm bảo hiệu quả và tránh thất thoát lãng phí, phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế.
Ngoài ra, các ý kiến đại biểu cũng chỉ rõ hiện nay kinh tế Huế vẫn dựa nhiều vào du lịch và dịch vụ. Do vậy, thành phố cần đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ thông tin, giáo dục và y tế, nhằm tạo nguồn thu ổn định và tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Đồng thời, cần có các chính sách thu hút đầu tư mạnh mẽ để khai thác các tiềm năng kinh tế, đặc biệt là từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đại biểu cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ của Thành phố phát triển.
Một số đại biểu băn khoăn đối với thành phố trực thuộc trung ương, mô hình tổ chức chính quyền có gì thay đổi và có nên thay đổi ngay trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy lần này hay không? Từ đó đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ hơn vấn đề này, để khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương có mô hình tổ chức chính quyền đô thị tạo sự khác biệt, tạo ra ưu thế cho sự phát triển
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đặng Ngọc Huy, đoàn Quảng Ngãi, kiến nghị cần có luật riêng về luật tổ chức chính quyền đô thị, luật về tổ chức chính quyền nông thôn, qua đó làm rõ được chính quyền đô thị loại I sắp xếp ra sao, loại đặc biệt sắp xếp như thế nào. Hiện nay mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang thí điểm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và tới đây là Hải Phòng, nhưng mô hình mỗi nơi khác nhau, chưa có mô hình chung.
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng và việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương
Hiện nay Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù cho 10 tỉnh, thành phố trong cả nước, với mô hình chính quyền đô thị cũng đã ban hành cho 3 thành phố đó là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tp. Đà Nẵng. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương.
“Tiến tới đề xuất việc sửa đổi, bổ sung đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển thành phố theo mô hình chính quyền đô thị để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất.