Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 19-3, một cán bộ cấp vụ Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết theo Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh nên cơ quan quản lý không can thiệp.
Trong khi đó, liên quan đến việc chủ thẻ thanh toán phản ánh bị âm thầm ghi nợ phí dịch vụ dù nhiều năm không sử dụng, Eximbank không phải là NH duy nhất đang thu phí này.
Không thông báo, vẫn đều đặn ghi nợ
Theo ghi nhận, rất nhiều bạn đọc phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc đang bị Eximbank ghi nợ khoản phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản (thu nếu số dư trong tài khoản dưới 300.000 đồng)… Kết quả, sau thời gian dài không sử dụng, đến khi đi đóng tài khoản, khách hàng được yêu cầu phải đóng phí từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng.
“Vấn đề là tại sao NH không thông báo định kỳ hằng tháng, hằng quý hoặc hằng năm cho khách hàng rằng khách đang nợ khoản phí này? Chỉ đến khi đi đóng tài khoản mới biết? Tài khoản Eximbank của tôi đã không sử dụng từ năm 2019 – 2020 đến nay, số dư tài khoản 0 đồng vẫn tiếp tục bị tính phí và bây giờ yêu cầu trả gần 700.000 đồng mới được đóng tài khoản” – chị Đỗ Phượng (ngụ quận 3, TP HCM) băn khoăn.
Không chỉ Eximbank, Đông Á cũng là một trong những NH đang áp dụng việc thu phí khi số dư tài khoản về 0 đồng trong nhiều năm. Anh Hồ Thanh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết chiều 19-3, anh ra chi nhánh NH Đông Á kiểm tra tài khoản mở từ hồi… sinh viên (hơn chục năm trước) và phát hiện đang nợ phí SMS Banking của NH này hơn 450.000 đồng.
“Nhân viên NH nói hơn chục năm nhưng tài khoản vẫn đang hoạt động. Nếu giờ muốn hủy, đóng tài khoản thì tôi phải trả hết các khoản phí nợ này, dù tài khoản tôi đã về 0 đồng từ nhiều năm nay” – anh Thanh kể.
Theo tìm hiểu, nhiều năm qua chủ thẻ ATM phải chi trả phí thường niên, phí quản lý tài khoản (số tài khoản gắn liền với thẻ ATM), phí nhận tin nhắn SMS về số tiền trong tài khoản biến động.
Tuy nhiên, khi thẻ ATM hết thời hạn sử dụng, số tiền trong thẻ chỉ còn 0 đồng, nếu chủ thẻ không yêu cầu gia hạn hoặc làm thẻ mới thì một số NH vẫn duy trì số tài khoản để tính phí quản lý khoảng 100.000 đồng/năm. Sau đó, nếu chủ thẻ nộp tiền vào tài khoản, NH sẽ thu phí này.
Giả sử chủ thẻ ATM không sử dụng số tài khoản này trong hàng chục năm thì số phí quản lý tài khoản họ phải trả là không nhỏ. Điều đáng nói là lâu nay nhiều NH mập mờ trong việc thu phí. Điều này biểu hiện qua việc NH không cung cấp thông tin trên cho khách hàng biết, không thông báo cho chủ thẻ ATM đóng số tài khoản thẻ để tránh việc đóng phí quản lý.
Như tại Eximbank, Đông Á, một số chủ thẻ cho biết không nhận được thông báo nào từ NH về việc số tài khoản thẻ vẫn tồn tại và sẽ bị tính phí quản lý. Từ đó, các chủ thẻ cho rằng NH không minh bạch, không cung cấp thông tin để tận thu khách hàng.
Công khai biểu phí là chưa đủ
Liên quan đến những vụ việc trên, Báo Người Lao Động đã liên hệ với một số lãnh đạo cấp cao Eximbank, đề nghị NH thông tin các vấn đề liên quan đến việc sử dụng thẻ ATM nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trong khi đó, lãnh đạo một số NH khác cho rằng nên điều chỉnh lại quy định theo hướng kiểm soát tốt hơn những tài khoản thanh toán lâu không sử dụng (từ 12 tháng trở lên).
Bởi hiện tại, công nghệ cho phép các NH rà soát số lượng tài khoản thực tế đang hoạt động, có phát sinh giao dịch. Đặc biệt, việc vẫn tiếp tục ghi nợ phí dịch vụ trong thời gian dài nhưng khách hàng lại không hề hay biết, chỉ biết đến khi đi đóng tài khoản, là không sòng phẳng!
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội NH Việt Nam, cho biết có nắm thông tin liên quan đến những phản ánh của chủ thẻ ATM, chủ thẻ tín dụng Eximbank gần đây và cho biết sẽ tổ chức họp để ghi nhận tình hình chung. Từ đó, đề xuất giải pháp hài hòa lợi ích của khách hàng và NH.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết việc mở và sử dụng tài khoản NH được NH Nhà nước quy định cụ thể tại thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Việc đóng tài khoản phải tuân thủ đúng quy định.
“Các NH chỉ thực hiện tạm khóa, đóng tài khoản khi có yêu cầu từ khách hàng. Có ngoại lệ trong trường hợp chủ tài khoản chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa thanh toán xong các khoản nợ phải trả cho tổ chức cung ứng dịch vụ nơi mở tài khoản” – ông Lệnh nói.
Trả lời câu hỏi về thời hạn đối với việc đóng tài khoản do không duy trì số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết sẽ do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai với khách hàng.
Ngã ngửa với phí thường niên
Đối với thẻ tín dụng, một trong những khoản phí khiến nhiều người không nghĩ tới là phí thường niên. Rất nhiều NH không cung cấp trực tiếp cho khách hàng thông tin lãi suất thẻ tín dụng, cụ thể từ 26% – 33%/năm, cách thức tính lãi suất, thu phí thường niên 1 – 3 triệu/đồng năm và thu thêm các loại phí dịch vụ khác. Điều này khiến nhiều chủ thẻ khi không có nhu cầu sử dụng cũng không yêu cầu hủy, đóng thẻ và bị thu phí thường niên.
Nhiều người khi được mời mở thẻ tín dụng, nhân viên NH chỉ quảng cáo những ưu điểm, ưu đãi của thẻ mà không khuyến cáo đầy đủ về các mức phí, lãi suất, nhất là phí thường niên từ năm thứ 2 trở đi. Trong khi đó, nguyên tắc tính lãi suất thẻ tín dụng lãi nhập gốc là phổ biến trên thế giới. Có điều, cho lãi nhập đến mức độ nào lại tùy từng NH…
Chị Lê Thị Minh Nguyệt (quận Gò Vấp), chủ thẻ tín dụng VietBank, cho hay nhiều năm qua chị không được NH này thông báo về việc thu phí sao kê gửi đến nhà theo đường bưu điện, được cộng gộp vào số tiền lãi. Từ đó, chủ thẻ không biết được đâu là phí dịch vụ, đâu là số tiền lãi để yêu cầu NH hủy bỏ dịch vụ gửi sao kê đến tận nhà, nhằm giảm thiểu chi phí. “Đến đầu năm nay, tuy tôi tất toán đủ nhưng hằng tháng vẫn bị báo nợ 30.000 đồng. Liên hệ với VietBank, tôi mới biết được số tiền này là phí sao kê gửi đến tận nhà hằng tháng theo đường bưu điện. Có phải nhà băng đưa ra thông tin mù mờ để âm thầm thu phí dịch vụ thẻ tín dụng” – chị Nguyệt đặt vấn đề.
Kiểm soát để loại thẻ “rác”
Sau sự cố chủ thẻ tín dụng xài 8,5 triệu đồng bị NH báo nợ hơn 8,8 tỉ đồng, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, cho rằng mỗi tháng các NH đều gửi sao kê, trạng thái số dư thẻ tín dụng tới khách hàng qua các kênh online và khách hàng có thể tra soát dễ dàng. Do đó, dù thẻ tín dụng đã ngừng sử dụng hoặc không dùng thường xuyên, chủ thẻ vẫn nên giữ thói quen kiểm tra xem tình trạng thẻ của mình thế nào.
“Khi sử dụng sản phẩm của NH, khách hàng cũng nên chủ động hỏi rõ về các chính sách thẻ tín dụng từ hạn mức, số ngày miễn lãi, cách tính lãi như thế nào? Mức lãi suất phạt này là bao nhiêu? Vì các mức phí, lãi này khác nhau giữa các NH, không nên quá phụ thuộc vào sự tư vấn của cán bộ tín dụng” – bà Dung nói.
Liên quan đến việc kiểm soát thẻ “rác” – những thẻ tín dụng được kích hoạt nhưng không sử dụng hoặc thời gian dài không phát sinh giao dịch, chuyên gia của Visa cho biết dữ liệu của tổ chức thẻ này cho phép họ đánh giá mức độ hoạt động của các dòng thẻ. Và thực tế, nếu thẻ tín dụng phát hành ra trong vòng 90 ngày mà không sử dụng sẽ cần được NH tác động, khuyến khích chủ thẻ chi tiêu, thanh toán.
Theo các chuyên gia, việc NH thương mại chủ động loại bỏ thẻ “rác” cũng giúp dữ liệu về thẻ, thanh toán và nhu cầu của khách hàng thực tế hơn, từ đó thiết kế sản phẩm phù hợp hơn, tránh lãng phí.