Các ngân hàng trung ương đang mạnh mẽ mua kim loại quý, cùng với các dấu hiệu lạm phát giảm bớt ở Mỹ đã nâng cao kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất, đang là động lực tích cực giữ vàng ở mức cao, quanh mốc 2.000 USD.
Sáng nay thứ Năm (23/11), trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tăng 0,1% so với đóng cửa phiên liền trước, lên 1.992,59 USD/ounce. Hợp đồng này hôm thứ Ba (21/11) đã vượt ngưỡng 2.000 USD, chạm mức cao nhất trong ba tuần là 2.007,29 USD. Vàng kỳ hạn tháng 12 sáng nay vững ở mức 1.993,30 USD, sau khi đạt 2.001,60 USD hôm thứ Ba.
Thị trường vàng thế giới đang biến động khá mạnh theo các dữ liệu của Mỹ. Đồng USD hôm 21/11 đã chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng rưỡi, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng dao động gần mức thấp nhất trong hai tháng.
Trong nước, giá vàng cũng biến động mạnh theo giá thế giới nhưng vẫn duy trì mức cao, trên 70 triệu đồng/lượng. Sáng 23/11, giá vàng phổ biến ở mức 70,7 – 71,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Thông tin từ hàng loạt các nhà phân tích đều cho thấy thị trường vàng đang trong môi trường rất tích cực.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Những nhà đầu cơ giá lên đang ngấu nghiến mua vàng trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn”.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy các thành viên Fed đã đồng ý rằng lãi suất sẽ chỉ cần tăng cao hơn “nếu” có thông tin cho thấy quá trình giảm lạm phát không có tiến triển”.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết: “Có vẻ như sẽ không có thêm bất kỳ đợt tăng lãi suất nào sắp diễn ra ở đây, vì vậy điều đó sẽ giúp vàng tăng giá”.
Mặc dù trong biên bản cuộc họp tháng 11, Fed nhấn mạnh chính sách sẽ cần phải duy trì ở mức “hạn chế” trong bối cảnh lạm phát có thể đi ngang hoặc tăng cao hơn, theo đó “Khi thảo luận về triển vọng chính sách, những người tham gia cuộc họp tiếp tục đánh giá rằng chính sách tiền tệ phải duy trì ở trạng thái hạn chế để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%”, song thị trường dự đoán gần như chắn chắn rằng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sắp tới, sau đó là giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) vào tháng 5, với xác xuất gần 48%.
Dấu hiệu lạm phát chậm lại ở Mỹ đã làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ hạn chế tăng lãi suất. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Ngân hàng Commerzbank cho biết: “Bây giờ những lo ngại về xung đột ở Trung Đông đã giảm bớt đáng kể, triển vọng lãi suất của Mỹ đã lấy lại được ưu thế cho vàng”.
Peter Spina, chủ tịch của GoldSeek.com, cho biết: “Vàng đang chứng kiến mô hình nhu cầu mua mạnh mẽ đến từ châu Á khi nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong tháng 10 nhiều hơn đáng kể so với dự báo”. Theo ông Spina, nhập khẩu vàng vào Ấn Độ trong tháng 10 đã tăng lên mức cao nhất trong 31 tháng do “các ngân hàng trung ương toàn cầu duy trì nhu cầu mua mạnh mẽ”.
Ông nói: “Kết hợp điều đó với lãi suất sắp giảm khỏi mức cao gần đây, hy vọng về sự xoay trục chính sách của Fed và đồng USD yếu đi trong tháng vừa qua khiến vàng đang ở vị trí rất tốt để bật lên xa hơn nữa trên mức 2.000 USD/ounce hiện nay để tiến tới những mức cao kỷ lục”.
Theo ông Spina: “Một khi những người mua vàng phương Tây tham gia cùng nhiều nơi khác trên thế giới, chúng ta có thể thấy sự đột phá mạnh mẽ về giá cả” không chỉ hướng tới mức 2.500 USD/ounce, một dự báo đang khs phổ biến, mà còn cao hơn, tới 3.000 USD và hơn thế nữa.
Giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục 2.089,20 USD vào ngày 7/8/2020, theo Dữ liệu thị trường của Dow Jones.
Mohamad Ibrahim, giám đốc điều hành nhóm tại XS.com, cho biết trong một bài bình luận qua email rằng vàng đã “phục hồi liên tục kể từ đầu tháng 10, trong khi những kỳ vọng về chính sách tiền tệ thay đổi và đặt cược vào một đợt tăng lãi suất khác giảm đi”.
Ông nói: Dữ liệu kinh tế gần đây đã “củng cố hiệu suất của vàng”. Dữ liệu lạm phát của Mỹ tuần trước thấp hơn dự kiến đã “củng cố” ý tưởng rằng sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa trong năm nay và “thúc đẩy kỳ vọng rằng việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra sớm hơn dự kiến trước đây”.
Theo dữ liệu công bố ngày 14 tháng 11, chi phí sinh hoạt ở Mỹ trong tháng 10 không thay đổi, trong khi giá tiêu dùng cơ bản tăng 0,2% trong tháng đó. Dữ liệu vừa công bố hôm 21/11 cho thấy lạm phát – chỉ số kinh tế hàng đầu của Mỹ – giảm 0,8% trong tháng 10, là tháng thứ 19 liên tiếp giảm.
Ông Spina cho biết, biến động giá vàng đã “giảm bớt sau nhiều nỗ lực nhằm đạt mức cao mới”. “Năng lượng dồn nén trong vàng đã sẵn sàng được giải phóng”. “Rủi ro địa chính trị vẫn còn đó, thể hiện qua sự quan tâm mua vàng ‘khổng lồ’ của vô số ngân hàng trung ương toàn cầu”.
“Lãi suất không đạt mức cao, cùng với lạm phát không giảm xuống mục tiêu mong muốn sẽ chỉ gây thêm áp lực lên giá vàng trong tương lai”, ông Spina kết luận.
Tham khảo: Dow Jones, Reuters