Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, hay “lấy lại việc làm cho người Mỹ” của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, việc bảo hộ hàng sản xuất tại Mỹ, thị trường Mỹ sẽ gia tăng. Các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thiếp lập và các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể sẽ nhiều hơn.
Theo ông Hưng, doanh nghiệp trong nước chắc chắc sẽ phải có phương án chủ động sớm với các chính sách thời Tổng thống Trump và cần cẩn trọng hơn.
Doanh nghiệp Việt cần xuất khẩu bền vững, minh bạch vào Mỹ
Liên quan đến hàng hóa Việt Nam vào Mỹ hoặc các khoản đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ trong thời gian tới, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ nêu ba yếu tố: Quan hệ thương mại cần duy trì đôi bên cùng có lợi và quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp 2 bên. Bên cạnh đó, đối tác của Mỹ mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ, và cuối cùng giải quyết tranh chấp thương mại giữa 2 bên thông qua đối thoại, đàm phán.
“Trong 3 tuần gần đây, chúng tôi đã có hơn 3 cuộc tham vấn theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tham vấn về các vụ việc Phòng vệ thương mại với Bộ Thương mại Hoa Kỳ”, ông Hưng tiết lộ.
Về giải pháp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh: Trước các vấn đề gia tăng bảo hộ của thị trường Mỹ, hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ ở nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là việc tự chủ nguyên liệu và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Đặc biệt, chúng ta đang thặng dư thương mại với Mỹ do đó cần “thúc đẩy cân bằng thương mại giữa hai nước bằng biện pháp tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam, tránh xuất khẩu những mặt hàng quá ồ ạt”, ông Hưng chia sẻ.
Liên quan đến tiếp cận nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị đặc biệt các công nghệ mới, cốt lõi về Việt Nam để cho các ngành công nghệ cao, kỹ thuật và các ngành có giá trị lớn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng: Các doanh nghiệp Việt, đối tác Việt Nam cần giải quyết vấn đề mà Mỹ quan tâm đó là về kiểm soát xuất khẩu, trong đó có sở hữu trí tuệ.
Theo ông Hưng, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiêm túc, rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc xuất xứ khi nhập hàng vào Mỹ. Những ngành có thể bị tác động xấu, nguy cơ bị kiện phòng vệ cao chính là các ngành có xuất khẩu tăng đột biến vào Mỹ.
Nguy cơ bị kiện phòng vệ đối với ngành xuất khẩu đột biến vào Mỹ
Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ ngày 5/11, nhiều chuyên gia kinh tế, học giả trong nước đã đưa ra dự báo về một số rủi ro đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam vốn xuất siêu lớn vào Mỹ.
Cụ thể, năm 2022 cũng tương ứng khoảng hơn 94 tỷ USD, năm 2023, Việt Nam xuất siêu vào Mỹ khoảng đạt 83 tỷ USD và 9 tháng của năm 2024, xuất siêu hàng Việt vào thị trường Mỹ đạt khoảng 77,2 tỷ USD.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng đưa ra đề xuất áp thuế 10-20% với hàng nhập từ các nước, riêng Trung Quốc đến là 60%. Điều này có thể khiến các đối tác làm ăn với Mỹ, đặc biệt có thặng dư thương mại với Mỹ phải điều tiết xuất khẩu. Riêng đối với hàng Trung Quốc, nguy cơ bị đánh thuế 60% khi vào Mỹ có thể khiến nguồn hàng nước này chuyển sang nước thứ 3, thay đổi nhãn mác, xuất xứ và núp bóng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Điều này có thể tạo cơ hội ngắn hạn cho một số nước, ngành lĩnh vực, doanh nghiệp xuất khẩu, song nguy cơ lớn về dài hạn bởi có thể gánh chịu các vụ kiện phòng vệ thương mại trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các vụ khởi kiện của nhà sản xuất, Bộ Thương mại Mỹ với hàng hóa từ Trung Quốc vào thị trường này.
Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo thống kê của WTO, đến tháng 6/2023, nước này đã khởi xướng điều tra 1.223 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó áp dụng biện pháp với 851 vụ việc. Tính đến hết tháng 12.2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại, trong đó riêng Hoa Kỳ là 59 vụ việc, chiếm 25% tổng số vụ việc.