Mở cửa sáng 8/2, giá vàng trong nước tiếp tục tăng thêm khoảng 100-300 nghìn đồng/lượng, giá niêm yết phổ biến quanh mức 90 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – giá bán tiện tại khoảng 2,5-3 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại Bảo Tín Minh châu, giá vàng SJC và giá vàng nhẫn đều tăng thêm khoảng 300 nghìn đồng/lượng, hiện được niêm yết lần lượt 86,8-90,3 triệu đồng/lượng và 86,8-90,25 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI áp dụng mức 86,8-90,3 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC. Trong khi vàng nhẫn trơn 9999 đang có giá 86,4-90,2 triệu đồng/lượng.
Công ty SJC cũng niêm yết mức tương tự: 86,8-90,3 triệu đồng/lượng (vàng miếng SJC) và 86,8-89,9 triệu đồng/lượng (vàng nhẫn 24k).
Tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC hiện được niêm yết ở mức 86,8-90,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn ở mức 86,7-90,1 triệu đồng/lượng.
Trước đó, trong ngày Vía Thần Tài (10/1 Âm lịch – 8/2 Dương lịch), giá vàng trong nước đã đồng loạt tăng khoảng 500 nghìn đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua – giá bán vẫn khá cao, khoảng 2,5-3 triệu đồng/lượng. Như vậy với những người mua vàng trong ngày vía Thần Tài và bán ra lúc này có thể bị lỗ đến 3,5 triệu đồng/lượng.
![Ngày 8/2: Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh, vàng SJC, vàng nhẫn trong nước diễn biến bất ngờ- Ảnh 1. Ngày 8/2: Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh, vàng SJC, vàng nhẫn trong nước diễn biến bất ngờ- Ảnh 1.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/8/screenshot1-173898367805711811697-1738983791916-17389837920951348617651.png)
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý màu vàng biến động khá mạnh. Tối ngày 7/2, sau khi lập đỉnh mới 2.886 USD/ounce, vàng đã quay đầu giảm hơn 20 USD/ounce. Đến 9h00 sáng 8/2, giá vàng còn 2.860 USD/ounce.
Kim loại quý này đột ngột đảo chiều giảm trong phiên giao dịch cuối tuần có thể do động thái chốt lời của nhiều nhà đầu tư, sau chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ. Dù vậy, vàng đã có tuần tăng thứ 6 liên tiếp, kể từ ngày 30/12/2024 đến nay. Trong giai đoạn này, vàng đã tích luỹ mức tăng đáng kể 230 USD/ounce, đánh dấu hiệu suất 6 tuần mạnh nhất kể từ tháng 4/2024.
Đà tăng của kim loại quý phản ánh nhiều động lực thị trường, bao gồm căng thẳng địa chính trị kéo dài, lo ngại lạm phát gia tăng, các chính sách nới lỏng từ các ngân hàng trung ương toàn cầu và nhu cầu vật chất mạnh mẽ. Tâm lý thị trường bị ảnh hưởng đáng kể bởi những diễn biến chính sách gần đây của Mỹ, đặc biệt là liên quan đến quan hệ thương mại quốc tế. Hiện, nhà đầu tư vẫn tập trung vào các áp lực lạm phát tiềm tàng và tác động của chúng đối với chính sách tiền tệ—những yếu tố có thể tiếp tục hỗ trợ xu hướng đi lên của vàng.
![Ngày 8/2: Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh, vàng SJC, vàng nhẫn trong nước diễn biến bất ngờ- Ảnh 2. Ngày 8/2: Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh, vàng SJC, vàng nhẫn trong nước diễn biến bất ngờ- Ảnh 2.](https://cafefcdn.com/203337114487263232/2025/2/8/nygold-1738983633148-17389836342661901808081-1738983792661-17389837927541247397763.gif)
Joe Cavatoni, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, nhận định: “Những ngày qua đã cho thấy vàng phát huy vai trò vừa là phản ứng trước căng thẳng thị trường tức thời, vừa là biện pháp phòng ngừa dài hạn trước bất ổn.” Quan điểm này nhấn mạnh vai trò kép của vàng như một tài sản đầu tư chiến lược và chiến thuật.
Thị trường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thương mại toàn cầu, đặc biệt là các chính sách thuế quan quốc tế và tác động tiềm tàng của chúng đối với nền kinh tế. Mặc dù việc hoãn thực hiện một số thuế quan trong một tháng mang lại sự nhẹ nhõm tạm thời, nhưng những lo ngại rộng lớn hơn về căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn còn tồn tại.