Tại ngày 31/12/2024, nợ có khả năng mất vốn (hay còn gọi là nợ nhóm 5) của 27 ngân hàng là hơn 131 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 39.500 tỷ so với năm 2023, tương đương tăng 43%. Trong khi đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm hơn 6.400 tỷ xuống 53.526 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) giảm hơn 1.800 tỷ xuống gần 43.800 tỷ đồng. Như vậy, có thể một phần lớn nợ nhóm 3, nhóm 4 đã chuyển xuống thành nhóm 5.
Ngân hàng có nợ nhóm 5 nhiều nhất là BIDV với số dư tới 19.801 tỷ đồng, tăng mạnh tới 52% trong năm qua. BIDV cũng là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất hệ thống, lên tới hơn 29 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, vì là nhà băng có quy mô lớn nhất Việt Nam, thực tế nợ xấu chỉ chiếm 1,41% trong tổng dư nợ cho vay khách hàng, vẫn nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
VietinBank là ngân hàng có nhiều nợ có khả năng mất vốn cao thứ 2, với 13.832 tỷ đồng, tăng 47,5% so với năm 2023. Tổng nợ xấu nhà băng này là 21.473 tỷ đồng, tăng 29%. Tương tự như BIDV, tuy số dư nợ xấu cao nhưng vì là ngân hàng có quy mô lớn, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank chỉ ở mức 1,25%, nằm trong nhóm 5 ngân hàng thấp nhất.
Trong khi đó, NCB là ngân hàng nhỏ nhưng có quy mô nợ xấu lớn thứ 3 ngành, lên tới 13.188 tỷ đồng. Được biết, NCB đang thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2023-2025, định hướng 2030 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhà băng này đang đẩy mạnh triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh để nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu.
Vietcombank là ngân hàng có quy mô nợ có khả năng mất vốn lớn thứ 4, ở mức 10.292 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm nợ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu (74%). Nợ nhóm 3 và nợ nhóm Vietcombank chỉ ở mức 3.671 tỷ đồng. Giống như BIDV và VietinBank, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Vietcombank cũng thường thuộc nhóm thấp nhất. Thậm chí cuối năm 2024, Vietcombank là ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Tốc độ tăng của nợ có khả năng mất vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng cho vay khách hàng của 27 ngân hàng (tăng 18% trong năm 2024). Theo đó, tỷ trọng của nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0,91% (năm 2023) lên 1,11% (năm 2024).
Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ có khả năng mất vốn tăng theo cấp số nhân như VIB, Techcombank, NamAbank, LPBank, ABBank. Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn ở VIB tăng gần 3 lần so với năm 2023 lên 6.397 tỷ đồng. Nhóm nợ này ở Techcombank cũng tăng 2,4 lần,…
Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng chứng kiến nợ nhóm 5 tăng hơn 50% còn có MB, BIDV, Sacombank, ACB, MSB, OCB,…