Sáng 3/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 72- 75 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Mức giá này giảm 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch chiều 2/1 nhưng lại tăng 1 triệu đồng so với sáng 2/1.
Tương tự, Tập đoàn Doji ở mức 72- 75 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Còn vàng miếng SJC do Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết 71,1 – 74,95 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Đây là doanh nghiệp có mức chênh lệch mua vào, bán ra lên tới 3,85 triệu đồng/lượng trong khi các doanh nghiệp khác duy trì mức 3 triệu đồng/lượng nhiều ngày nay.
Chỉ trong một tháng cuối năm, giá vàng miếng SJC tăng tới 8-9%. Ngày 26/12/2023, dù giá thế giới biến động nhẹ, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng tới 4 triệu đồng, lập đỉnh trên 80 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên mức kỷ lục này không giữ được lâu, giá vàng miếng sau đó lao dốc, đặc biệt sau công điện của Thủ tướng yêu cầu điều hành giá vàng trong nước sát thế giới.
Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh cuối năm, giao dịch tại SJC và một số thương hiệu vàng lớn sôi động hơn trước còn lượng khách vẫn nhỏ giọt tại các tiệm vàng nhỏ lẻ.
Trong khi đó giá bán vàng nhẫn tại Công ty SJC niêm yết ở mức 63,13 triệu đồng/lượng, mua vào 62,1 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty PNJ, giá bán vàng nhẫn ở mức 63,25 triệu đồng/lượng, mua vào 62,15 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 14 triệu đồng/lượng, còn giá vàng nhẫn cao hơn 2,15 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ở mức 2.060 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 61 triệu đồng/lượng. So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới không có đột biến.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 3/1, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 23.848 đồng/USD, giảm 18 đồng/USD. Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD quanh mức 24.110 – 24.490 đồng/USD mua vào – bán ra.