Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản và chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực này?
Thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn do nhiều lý do. Trước hết, tình hình kinh tế trong nước và thế giới suy giảm, niềm tin thị trường chưa được khôi phục hoàn toàn sau những sự cố phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không đủ tiêu chuẩn. Một trong những vấn đề lớn nữa chính là thị trường bất động sản tăng trưởng không bền vững, chủ yếu là đầu cơ, nâng giá. Do đó, khi thị trường bất động sản sụt giảm, hoạt động đầu cơ sẽ chững lại, thanh khoản kém. Hiện tại điểm sáng của thị trường nằm ở phân khúc bất động sản dành cho những người có nhu cầu thực mua nhà để ở. Tuy nhiên những dấu hiệu tích cực này trên bình diện cục bộ chứ không phải toàn bộ. Trong bối cảnh nền kinh tế chung còn rất nhiều khó khăn, thu nhập của người dân cũng giảm, dẫn đến nhu cầu mua nhà cũng giảm mạnh. Đây là nút thắt lớn cần được giải quyết.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là NHNN đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong đó, từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành từ 0,5-2%/năm là một nỗ lực rất lớn tạo điều kiện để các NHTM giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được thực hiện như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên để thị trường hấp thụ được các chính sách này thường có độ trễ cần phải có thời gian. Dự báo, độ “ngấm” chính sách sẽ từ quý IV/2023 đến quý II/2024.
Lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Theo ông liệu tín dụng bất động sản thời gian tới có khởi sắc?
Trên thực tế, về phía nguồn cung vốn của ngân hàng đang lớn, tuy nhiên phía cầu lại đang bị trục trặc. Hiện lãi suất cho vay đã giảm liên tục, nhiều NHTM đã xây dựng các gói giải pháp cho vay đặc thù đối với từng nhóm khách hàng nhưng vẫn chưa tạo được “cú hích”. Bởi như tôi đã chia sẻ ở trên, các giao dịch trên thị trường bất động sản thời gian qua phần lớn là từ đầu cơ ở các phân khúc kén khách, nhất là phân khúc cao cấp, không gắn liền với nhu cầu thực. Khi thanh khoản thị trường còn yếu, cung – cầu vốn chưa gặp nhau thì khó tạo sự đột phá nào trong tăng trưởng tín dụng. Theo tôi, từ nay đến cuối năm chỉ có các phân khúc, dự án dành cho những người mua nhà có nhu cầu thực để ở hấp dẫn hơn. Do đó, ngân hàng nào cho vay nhiều ở phân khúc này sẽ có mức tăng trưởng tốt.
Để đẩy mạnh tín dụng cho vay bất động sản cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
Để giải quyết vấn đề này, chính doanh nghiệp, các tập đoàn bất động sản cũng phải khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, cơ cấu các nguồn lực, vấn đề vốn, vấn đề thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, minh bạch trong việc quản lý; quản trị rủi ro tốt hơn… Đồng thời định vị lại các sản phẩm của mình phù hợp với phân khúc thị trường, hướng tới mục đích kinh doanh minh bạch hơn, dài hạn hơn. Về phía các ngân hàng, cần triển khai các gói cho vay nhằm vào từng đối tượng cụ thể để hướng tới các đối tượng thực sự có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở. Cụ thể, tích cực triển khai gói giải pháp 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội…
Cùng với đó, cần triển khai tổng hòa các giải pháp từ Chính phủ đến các bộ, ngành và chính doanh nghiệp, khi nền kinh tế hồi phục, nhu cầu đầu tư vào thị trường bất động sản cũng sẽ tăng. Qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!