Vị thế mới đã khẳng định. Từ năm 2022, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã thực sự trở lại quỹ đạo tăng trưởng, trở lại Top 10 lợi nhuận toàn hệ thống, Top 5 NHTMCP tư nhân có ảnh hưởng nhất trên thị trường, đã sẵn sàng triển khai chuẩn mực quản trị rủi ro cao nhất tại Việt Nam hiện nay là Basel III.
Vượt tầm giá trị. Bởi không chỉ trở lại ấn tượng, SHB đã giúp hệ thống tái cơ cấu thành công một ngân hàng thương mại (NHTM), mà với thực trạng tài chính khi đó ngân hàng đó rất dễ rơi vào diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc. Khó khăn và gánh nặng xử lý ngân hàng mua lại bắt buộc như thế nào, thực tế đã cho thấy cả thập kỷ qua và cho đến nay…
Nhưng, không có con đường nào luôn bằng phẳng. SHB phải trải qua một khoảng lặng đầy quyết liệt, không loại trừ cả “cảm xúc” như bị bỏ lại phía sau khi nhiều NHTM khác bứt tốc tăng trưởng, nhất là về lợi nhuận. Nhưng, đó là khoảng lặng đầy tự hào với những khác biệt.
Điển hình kinh tế tư nhân, trước dồn dập thách thức
Khoảng lặng được xác định từ năm 2012, SHB tiên phong tham gia chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống NHTM, nhận sáp nhập Habubank, các chỉ tiêu tăng trưởng bị níu kéo và chùng xuống.
17 năm trước, SHB cũng là trường hợp tiên phong thực hiện chuyển đổi mô hình ngân hàng nông thôn lên ngân hàng đô thị, từ Ngân hàng Nhơn Ái vào năm 2006. Cuộc chuyển đổi diện rộng sau đó tại loạt nhà băng khác đánh dấu sự tham gia và vai trò rõ nét của lực lượng kinh tế tư nhân vào phát triển hệ thống các TCTD Việt Nam.
Không phải những khoảng lặng, làn sóng chuyển đổi các ngân hàng nông thôn lên đô thị tạo nên quãng bùng nổ nhanh chóng của hệ thống, phản ánh rõ trên các thị trường, và trong bối cảnh đầy kỳ vọng khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Nhưng đó cũng chính là những khởi đầu cho sự thanh lọc khắc nghiệt ở giai đoạn nối tiếp.
Kinh tế Việt Nam khi đó vừa trải qua 20 năm đổi mới, điểm xuất phát còn thấp, đặc biệt trong nguồn lực của kinh tế tư nhân. Gia nhập WTO cũng chính là dấu mốc cuộc hội nhập có độ mở lớn, nối tiếp là loạt hiệp định thương mại tự do (FTA)… Độ mở lớn đi cùng thách thức và tác động tiềm ẩn lớn dội từ bên ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra ngày sau đó, vào năm 2008.
Chỉ khoảng 5 năm sau làn sóng chuyển đổi ngân hàng nông thôn lên đô thị, chịu ảnh hưởng cuộc khoảng hoảng tài chính toàn cầu, cộng hưởng áp lực từ căng thẳng nội tại trên các thị trường trong nước, và như trên, điểm xuất phát của nguồn lực và sức chống chịu còn thấp, nhiều NHTM đã không thể trụ vững, dĩ nhiên còn những nguyên do khác nữa. Và không khó để nhận thấy 9 NHTM yếu kém mà NHNN xác định phải tái cơ cấu từ năm 2012 đều có xuất phát từ làn sóng chuyển đổi nói trên.
Trong bối cảnh đó, SHB trở thành điển hình của vai trò và nguồn lực kinh tế tư nhân, không những bứt phá lên top đầu sau chuyển đổi mà còn tiên phong nhận sáp nhập Habubank, giảm thiểu một gánh nặng cho Chính phủ và NHNN khi mà khó khăn tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém vẫn kéo dài sau đó cho đến nay, thậm chí còn cần nhiều thời gian tới nữa.
Từ tâm vươn tầm – Khẳng định vị thế mới
Song, thử thách lớn mới thực sự diễn ra sau dấu mốc nhận sáp nhập Habubank, cả ở bình diện thị trường chung, hệ thống chung và riêng với SHB.
Từ năm 2012, ngay cả những NHTM bình thường, không bị níu kéo qua sáp nhập khó khăn từ ngân hàng khác, cả những thành viên top đầu hệ thống cũng đã lần lượt chứng kiến sự đứt gãy về tăng trưởng lợi nhuận. Cuộc chiến với nợ xấu lộ thiên với mức độ hai con số khi đó mới thực sự bắt đầu; hệ lụy của giai đoạn lạm phát và lãi suất leo thang mới thực ngấm vào nền kinh tế.
Phải mất khoảng 5 năm các NHTM top đầu mới dần lấy lại thăng bằng, trở lại củng cố quỹ đạo tăng trưởng lợi nhuận, dù một số NHTMCP từng ở top đầu đã phải lùi bước. Nhưng chưa hết, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 ập tới; tưởng như cả hệ thống đã vượt qua song hệ quả vẫn đang nối dài, khi nợ tái cơ cấu dần phải ghi nhận trở lại, thế giới bất ổn bởi chính sách tiền tệ nới lỏng trước đó và cuộc chiến chống lạm phát, rủi ro suy giảm kinh tế mở rộng trên toàn cầu…
Khoảng lặng tại SHB nằm trong bối cảnh trên, gắn với khó khăn và thách thức xử lý những vấn đề nội tại từ Habubank hậu sáp nhập trong điều kiện nền kinh tế và thị trường không nhiều thuận lợi, thậm chí dồn dập thách thức chung. Một khoảng lặng kéo dài 10 năm, quyết liệt, bản lĩnh và bền bỉ. Nó thể hiện ở sự chùng xuống ở các chỉ tiêu lợi nhuận… Nhưng, tất cả như bước tạm lùi để tiến nhiều bước, để tiến xa hơn.
Từ năm 2021, sang năm 2022, thị trường ghi nhận sự trở lại ấn tượng và toàn diện của SHB, để lại khoảng lặng gần 10 năm sau lưng và vươn tầm vị thế mới. Top 10 NHTM lợi nhuận cao nhất, Top 5 NHTMCP tư nhân ảnh hưởng nhất trên thị trường lần lượt gọi tên SHB. Hiệu quả kinh doanh khởi sắc khi tỷ suất sinh lời ROE top đầu thị trường, tỷ lệ chi trả cổ tức dần tăng lên những năm gần đây, thu nhập của người lao động có vị thế hấp dẫn trong hệ thống.
Chất lượng của sự trở lại đó được củng cố bằng quy mô vốn điều lệ không ngừng gia tăng và thậm chí đã vượt trên cả một thành viên của “Big 4”. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đều tuân thủ và tốt hơn các mức yêu cầu của NHNN và theo các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, sau khi sớm hoàn tất cả 3 trụ cột của Basel II, SHB hiện đã thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản.
2023, cổ phiếu của SHB chính thức gia nhập vào rổ VN30 như một sự kiểm định về chất lượng và vị thế của cổ phiếu SHB trên HOSE.
Hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ đã phát triển ưu thế vượt trội trên thị trường, được thúc đẩy bởi chiến lược số hóa mạnh mẽ suốt ba năm qua cho đến nay. Cùng đó, bộ máy nhân sự cấp cao được trẻ hóa và dẫn nhịp chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện trên toàn hệ thống.
Nhìn lại hành trình 30 năm qua, đặc biệt trong thử thách của khoảng lặng 10 năm nói trên, người SHB khắc ghi 6 giá trị văn hóa cốt lõi “Tâm – Tin – Tín – Tri – Trí – Tầm”, từ Tâm để vươn Tầm, đồng hành và góp sức cùng sự phát triển của Đất nước.