Thuận tiện, nhanh chóng
Chưa bao giờ các hoạt động thanh toán không tiền mặt lên ngôi như ngày nay. Chỉ cần một chiếc thẻ ATM, NAPAS, Visa, Master Card để thanh toán dịch vụ tại các cửa hàng có đặt điểm chấp nhận thẻ (POS). Hoặc ở bất cứ nơi đâu, với một vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể dễ dàng thanh toán mua sắm thực phẩm, đồ uống, nộp thuế và nhiều khoản phí, lệ phí hay thanh toán mọi dịch vụ từ điện, nước, viễn thông,… Thanh toán không dùng tiền mặt đã, đang phổ biến và dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng Việt Nam.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến rộng rãi ở những người trong độ tuổi lao động, đặc biệt là sinh viên – thế hệ GenZ, những người sinh ra trong thời đại công nghệ bùng nổ, được mệnh danh là những “công dân thời đại kỹ thuật số”.
Bạn Phương Linh, sinh viên năm thứ 2 Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Tôi rất hiếm khi sử dụng tiền mặt. Tôi có một chiếc thẻ ATM có thể thanh toán tại quán cà phê gần trường và đi siêu thị mua các vật dụng cá nhân. Sử dụng thẻ với tôi rất thuận tiện và giờ ví tôi chỉ cần mang theo thẻ và không cần phải lỉnh kỉnh các loại tiền trong ví. Tôi không nhớ lần cuối tôi dùng tiền mặt khi nào”.
Còn với chủ cửa hàng tạp hoá trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi dán mã QR ngay tại cửa hàng và khách chỉ cần quét mã có thể thanh toán nhanh chóng. Khách hàng không phải chờ đợi nhận lại tiền thừa và cửa hàng cũng không bị nhầm tiền”.
Những con số ấn tượng
Có thể thấy, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê qua hệ thống cho thấy, đến hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý II/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.
Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng, NAPAS đã chuẩn hoá hệ thống công nghệ. Hệ thống máy móc, thiết bị cũng đảm bảo thanh toán thông suốt 24/7 trong bất cứ thời gian nào, kể cả ngày nghỉ lễ tết kéo dài.
Các ngân hàng thành viên cũng đã đồng nhất về mặt công nghệ trong thanh toán để đảm bảo an ninh, an toàn, hệ thống đường truyền.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước cho biết, hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng các phương tiện và dịch vụ thanh toán mới. Theo đó, các văn bản hướng dẫn mở tài khoản, phát hành thẻ, bảo lãnh ngân hàng, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng bằng phương thức điện tử; các quy định về đảm bảo an ninh an toàn và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật về mã thanh toán phản hồi nhanh (QR code), thẻ chíp nội địa đã được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi các ngân hàng triển khai thực hiện.
Hạ tầng thanh toán dùng chung như Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, Hệ thống thông tin tín dụng quốc gia… thường xuyên được Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan đầu tư, nâng cấp, bổ sung tiện ích, dịch vụ theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ.
Các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ; những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless),… đã được các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng, qua đó góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt đến với người dân và doanh nghiệp.
Đến nay đã có hơn 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; 82 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, Giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng hơn 51% về số lượng. Số lượng thẻ lưu hành tính đến tháng 6/2023 đạt gần 139 triệu thẻ; gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động và 10,8 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.