Đây là một cột mốc quan trọng khi đánh dấu một bước tiến lớn của nhân loại trong việc loại bỏ các loại vũ khí hủy diệt gây chết người hàng loạt, cũng như trong nỗ lực kiểm soát vũ khí trên toàn thế giới.
Theo Tổng thống Biden, những nỗ lực của Mỹ nhằm loại bỏ kho dự trữ vũ khí hóa học đưa nhân loại tiến gần hơn một bước đến một thế giới không còn nỗi kinh hoàng của vũ khí hóa học. Mỹ cam kết tiếp tục sát cánh với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học để ngăn chặn việc tàng trữ, sản xuất và sử dụng loại vũ khí này trên toàn thế giới
Mỹ là nước cuối cùng tham gia Công ước Cấm vũ khí hóa học hoàn thành việc phá hủy các kho dự trữ vũ khí hóa học được khai báo. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đã gọi cột mốc này là “một thành công lịch sử” trong nỗ lực giải trừ quân bị, hơn 1 thế kỷ sau khi việc sử dụng vũ khí hóa học không được kiểm soát trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tuyên bố của Mỹ cũng đồng nghĩa với việc tất cả các kho dự trữ vũ khí hóa học được khai báo trên thế giới đã “được xác minh là bị phá hủy và không thể đảo ngược”.
Tuy nhiên Tổng giám đốc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học Fernando Arias cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều thách thức trong nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu, đòi hỏi sự quan tâm liên tục của cộng đồng quốc tế.
Vũ khí hóa học lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh hiện đại là vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Mặc dù sau đó Công ước Geneva đã cấm sử dụng loại vũ khí này song các nước vẫn tiếp tục dự trữ nó Theo đánh giá của chuyên gia quân sự, với việc phá hủy kho vũ khí nói trên, Mỹ đang nhấn mạnh rằng những loại vũ khí như vậy không còn được chấp nhận sử dụng trên chiến trường đồng thời phát đi một thông điệp đến những nước chưa tham gia công ước này.
Bà Izumi Nakamitsu, Đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Chúng ta phải nỗ lực hết sức để đảm bảo sự kiên cường liên tục của lệnh cấm đối với những vũ khí khủng khiếp này. Việc sử dụng vũ khí hóa học ở bất cứ đâu, bởi bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Không thể có sự biện minh cho việc sử dụng những vũ khí này.”
Công ước Cấm vũ khí hóa học, được thông qua vào năm 1993 và có hiệu lực vào năm 1997, đặt thời hạn chót đến ngày 30/9 tới để Mỹ tiêu hủy tất cả kho vũ khí hóa học của nước này. Theo Tổ chức Cấm vũ khí hóa học, các bên ký kết khác đã loại bỏ kho vũ khí hóa học được khai báo của mình, ước tính tổng cộng khoảng 72.000 tấn kể từ khi văn kiện có hiệu lực.