Mất việc thì… chạy xe ôm?
Một người bạn của tôi kể lại, khi cô đăng ký học bằng lái B2, nhân viên ở đây hỏi: “Sao chị không học B1 cho nhàn mà học B2, chị định chuẩn bị chạy xe taxi công nghệ à?”.
Minh họa.
|
Mẩu chuyện nhỏ nhưng ít nhiều phản ánh một thực tế của đời sống hiện nay là nhiều người bị mất việc, giãn việc phải tìm công việc khác để kiếm sống, trong đó có việc chạy xe ôm, taxi.
Chuyện đó làm tôi nhớ đến hoàn cảnh của một người bạn khác. Anh trước đây làm công nhân, sau công ty giãn việc, anh lớn tuổi nên “được ưu tiên” cho nghỉ. Khoảng 1 năm nay, anh làm một số công việc thời vụ, nhưng rồi các việc ấy cũng dần khó tìm nên anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ.
2 tháng nay, anh đi làm đều đặn mỗi ngày chừng 10 tiếng, thu nhập 300.000-400.000 đồng, cùng với đồng lương công nhân của vợ, cơ bản đủ trang trải cuộc sống, nuôi 2 con đang đi học và tằn tiện có dư một chút. Cũng may anh đã có nhà cửa, trên sân thượng nhỏ trồng nhiều loại rau, phần nào “tự túc”, còn nếu phải thuê nhà có lẽ khó khăn hơn nhiều.
Một bữa đi xe ôm, tôi “tranh thủ” hỏi thăm “bác tài” chừng ngoài 30 tuổi, quê ở Lâm Đồng, được biết anh đã có bằng đại học, trước đây làm marketing cho một doanh nghiệp. Do công ty giảm người, việc của anh ngày càng nhiều, áp lực ngày càng lớn, thu nhập lại không tương xứng nên anh xin nghỉ và đã chạy xe ôm được gần 1 năm, chuẩn bị cho vợ sinh nở…
Mỗi ngày anh bắt đầu chạy từ lúc 6 giờ và đạt “chỉ tiêu” 500.000 đồng mới về. Hôm nào đắt khách có thể về sớm nghỉ ngơi, hôm nào ít khách có khi đến hơn 20 giờ anh mới về đến nhà.
Mấy tháng trước, tôi tình cờ nói chuyện với một tài xế taxi công nghệ, được biết thêm một trường hợp tương tự. Anh cho biết, trước đây từng chạy xe tải cho một doanh nghiệp, nhưng khi tình hình kinh tế đi xuống, hoạt động của doanh nghiệp ngày càng trở nên khó khăn, đơn hàng ít, lương anh bị cắt giảm, thu nhập theo chuyến cũng giảm, nên anh đã nghỉ việc rồi vay tiền để mua một chiếc ô tô giá khá bình dân.
Do áp lực trả nợ và trang trải cuộc sống, mỗi ngày anh “cày” 12-14 tiếng, có khi còn hơn, để đạt “chỉ tiêu” khoảng 1 triệu đồng. Anh cười buồn: “Thu nhập mỗi tháng trên 20 triệu đồng kể ra cũng khá, nhưng em chưa khấu hao xe được nên coi như em đang “ăn” vào chiếc xe này…”.
Từ cuối tháng 8 đến nay, khi học sinh, sinh viên đi học trở lại, người chạy xe ôm có xu hướng tăng hơn trước, một phần để đáp ứng nhu cầu đưa đón trẻ đi học, phần khác do điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn, số người mất việc nhiều hơn. Bên cạnh nhiều công việc tự do, như làm thuê, buôn bán dạo hoặc bán ở lề đường…, nhiều người chọn việc chạy xe công nghệ để kiếm sống.
Điều kiện để làm công việc này khá dễ, chỉ tốn chút ít chi phí đăng ký, tập huấn, sắm đồng phục, còn xe máy và điện thoại thông minh gần như ai cũng có. Trong khi đó, kỹ năng, trình độ, tay nghề, bằng cấp… đều không là tiêu chuẩn để được chọn; chỉ cần có sức khỏe, có ít kinh nghiệm đi đường là đủ rồi.
Ai có khả năng ứng xử, giao tiếp tốt sẽ thuận lợi hơn, để được đánh giá nhiều sao (từ đó được “nổ đơn” nhiều hơn), hoặc được thêm tiền tip, còn không hưởng thù lao từ từng cuốc xe và tiền thưởng nếu đạt số điểm nhất định (tương ứng với một số chuyến), cũng có thu nhập vừa phải.
Không chỉ vậy, chạy xe ôm khá tự do, có thể làm theo điều kiện sức khỏe và các công việc khác, hoặc có thể kết hợp làm việc cho gia đình (như giao hàng nếu gia đình có buôn bán, đón con…).
Có lẽ vì vậy nên kể cả phụ nữ cũng chọn công việc này. Tôi có mấy lần đặt trúng xe của phụ nữ, thấy các chị em làm công việc này thực sự vất vả. Có lần, cô gái chạy xe ôm công nghệ quê An Giang đi chiếc Nouvo dàn cao, nên mỗi khi dừng đèn đỏ cô chống chân khá vất vả.
Nhưng có lẽ muốn đi nhanh để có nhiều chuyến, cứ đường trống chút cô chạy ào ào, tôi phải bấu tay vào yên xe chứ không dám chạm vào người cô; mãi khi đến nơi tôi mới chắc là… còn sống.
Lần khác, một cô chạy có lẽ chưa thạo lắm nên gặp lúc đường đông đã thắng gấp xe liên tục làm tôi liên tục bị chúi người về phía trước; tôi phải để cái cặp ở giữa và giữ tay thật chặt ở yên xe…
Xét kỹ ra, chạy xe ôm (nhất là xe ôm công nghệ) là một loại công việc giải quyết việc làm khá tích cực cho không ít người. Đó là những người tạm thời chưa có việc làm, người có thời gian nhàn rỗi, người khó tìm được việc làm khác do thiếu tay nghề, thiếu điều kiện…
Công việc này cũng có thể dành cho những người muốn tham gia lâu dài, nhưng phần nhiều gắn với những người làm thời vụ, giải quyết nhu cầu mưu sinh trước mắt, trong thời gian tìm việc khác phù hợp hơn.
Nên ở thành phố ta không lạ gì cảnh ở một số quán ăn, quán trà sữa… vào giờ cao điểm có hàng chục người đồng phục màu xanh, vàng đứng chờ để nhận đơn hàng và đi giao cho khách. Hay trên đường có lúc thấy rất nhiều ô tô biển vàng ghi rõ “xe hợp đồng”… Không chỉ vậy, xe ôm và taxi công nghệ còn góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Đó là trong ngắn hạn, mang tính tạm thời. Về lâu dài, chạy xe ôm khó có thể coi là công việc phù hợp với những người có kỹ năng, có sức khỏe, có tay nghề để làm các công việc khác. Bởi mỗi lao động khi làm việc không phải chỉ giải quyết vấn đề thu nhập, còn không ngừng nâng cao tay nghề, kinh nghiệm, tức phát triển về khía cạnh nghề nghiệp, và tham gia đóng góp về nhiều mặt cho xã hội.
Hay một số rủi ro cho người làm công việc này cũng cần được quan tâm nhiều hơn, như bảo vệ an toàn trước nạn cướp giật, tai nạn giao thông hay các vấn đề về sức khỏe… Hay việc hỗ trợ về bảo đảm quyền lợi liên quan đến đóng thuế, bảo hiểm… cũng cần được các cơ quan chức năng quan tâm.
Kể cả việc thành lập các nghiệp đoàn xe ôm công nghệ cũng cần có hướng tổ chức phù hợp… Bởi lẽ, hầu hết người chạy xe ôm hiện nay chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác, không có hợp đồng lao động; đồng nghĩa với việc họ không được bảo đảm các quyền lợi về lao động, an sinh xã hội khi gặp rủi ro.
Nguyễn Minh Hải