PVN ước thu 745 ngàn tỷ sau 10 tháng, vượt 10% kế hoạch năm
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam, PVN) cho biết tháng 10/2023, PVN đạt doanh thu cao nhất từ đầu năm tới nay. Sau 10 tháng, Tập đoàn đã vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Đó là thông tin được Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết trong cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 11 với lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Buổi họp giao ban tháng 11 của PVN. Ảnh: PVN
|
Ngoại cảnh khó khăn
PVN cho biết trong tháng 10, xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục làm căng thẳng thêm tình hình địa chính trị vốn đã khó khăn trong 9 tháng đầu năm. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn cầu tháng 10 đạt 48.8 điểm, giảm 0.3 điểm so với tháng 9 và là tháng thứ 14 liên tiếp dưới 50 điểm. Ngoại trừ Mỹ, chỉ số PMI của hầu hết nền kinh tế lớn đều dưới 50 điểm, đặc biệt khu vực châu Âu ghi nhận sự phục hồi yếu nhất.
Điều này cho thấy sản xuất toàn cầu tiếp tục ảm đảm, chưa có sự bứt phá và sẽ tiếp tục tác động đến năm 2024. Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát giảm nhưng nợ công tăng; các dự báo tăng trưởng kinh tế gần đây đều thấp hơn so với những dự báo trước đó.
Trong nước, mặc dù nhiều chỉ tiêu cải thiện, sức chống chịu của nền kinh tế vững chắc dần, các dự báo gần đây nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế tiếp tục khó khăn, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất với sự lo ngại về triển vọng kinh doanh trong bối cảnh cầu tiêu dùng thế giới chưa thực sự hồi phục.
Bên cạnh đó, tác động trực tiếp đến ngành Dầu khí là giá dầu tháng 10 giảm so với tháng 9, giá bình quân các loại sản phẩm xăng dầu tháng 10 đều giảm từ 4-10% so với tháng 9; biên lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh; huy động khí cho sản xuất điện thấp, vấn đề tiêu thụ khí, LNG hết sức khó khăn; huy động điện khí cũng rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện, suất hao nhiệt cao; tiêu thụ phân bón khó do thừa cung và vụ mùa vào chậm hơn so với cùng kỳ…
Theo ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc PV GAS, tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ. Tổng lượng khí về bờ của PV GAS trong năm 2024 dự báo chỉ khoảng 6.3 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 7.7 tỷ m3 của năm 2023. Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn, dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện.
Tháng đạt doanh thu cao nhất năm
Dẫu có nhiều khó khăn, PVN cho biết vẫn đạt được kết quả tốt trong tháng 10. Các chỉ tiêu sản lượng sản xuất đều hoàn thành vượt mức kế hoạch tháng. Đặc biệt, sản xuất xăng dầu ổn định, tăng trưởng cao, Tập đoàn đã tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu chu kỳ bảo dưỡng, đảm bảo Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định, ở công suất cao liên tục trong 38 tháng; Nhà máy Đạm Cà Mau tiếp tục sản xuất ở mức cao, dự kiến vượt đỉnh của năm 2022.
Cụ thể, sản lượng khai thác dầu tháng 10 đạt 0.85 triệu tấn, vượt 4.2% kế hoạch tháng, lũy kế đạt 8.7 triệu tấn, vượt 13.1% kế hoạch 10 tháng; Sản lượng khai thác khí đạt 0.62 tỷ m3, vượt 4.6% kế hoạch tháng, lũy kế đạt 6.38 tỷ m3, vượt 9.7% kế hoạch 10 tháng; Sản xuất điện đạt 1.91 tỷ kWh, vượt 2.4% kế hoạch tháng, lũy kế đạt 19.54 tỷ kWh, vượt 1.7% kế hoạch 10 tháng, tăng 46.2% so với cùng kỳ; Sản xuất đạm tháng 10 đạt 162 ngàn tấn, vượt 9.6% kế hoạch tháng, lũy kế đạt 1.46 triệu tấn, vượt 5.9% kế hoạch 10 tháng; Sản xuất xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) tháng 10 đạt hơn 635 ngàn tấn, vượt 18.4% kế hoạch tháng, tính chung 10 tháng đạt 6.08 triệu tấn, vượt 10% kế hoạch năm (về đích trước kế hoạch 2 tháng), tăng 5.9% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn vượt cao so với kế hoạch. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 10 ước đạt 87.2 ngàn tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch tháng; lũy kế đạt 745 ngàn tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm 2023 (về đích trước 2 tháng). Nộp NSNN toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) tháng 10 đạt 14.9 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần kế hoạch tháng; tính chung 10 tháng đạt 121 ngàn tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch cả năm 2023 (về đích trước 5 tháng).
Bên cạnh đó, tháng 10 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của PVN. Đặc biệt, ngày 30/10/2023, PVN cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn; đánh dấu bước tiến quan trọng của Chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm. Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5.06 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4,000 MW.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng kiểm tra tiến độ dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4. Ảnh: PVN
|
Bên cạnh đó, ngày 29/10/2023, PVN và PV GAS đã tổ chức khánh thành Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất Việt Nam, nằm trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, đáp ứng mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.
Trước đó, ngày 12 và 16/10/2023, PV Power cùng các tổng thầu đưa máy phát điện và turbine khí Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào bệ móng. Đây là cột mốc quan trọng đối với dự án điện LNG đầu tiên, nhằm đảm bảo tiến độ phát điện thương mại (COD) Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 vào quý 4/2024 và Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 vào quý 2/2025,…
Châu An