Lại cháy chung cư, không chỉ nỗi đau xót!
23h50 ngày 12/09, một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đến 5h ngày 13/09, thống kê sơ bộ, đã thực hiện cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong. Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu 19 nạn nhân, trong đó có 2 trường hợp tử vong ngoại viện.
Đây là một chung cư mini cũ, cao 9 tầng, với diện tích khoảng trên 200m2 nhưng có đến 45 phòng với trên dưới 150 người dân sinh sống, chủ yếu là các hộ gia đình thuê ở. Ngôi chung cư nằm sâu trong ngõ nhỏ nên cảnh sát phải đỗ xe cứu hỏa ngoài phố Khương Hạ và dẫn vòi rồng vào bên trong để phun nước dập lửa.
Theo người dân tại chỗ cho biết, sau một tiếng nổ lớn, ngọn lửa bùng cháy và khói bao trùm, lan nhanh đến các tầng. Hiện, cơ quan chức năng đang tập trung cứu chữa và điều tra nguyên nhân vụ cháy. Những con số thương vong và tử vong bước đầu khiến xã hội lại một lần nữa bàng hoàng, đau xót như đã từng với những thảm kịch cháy nổ trước đó.
Thử nhìn lại một số vụ cháy nổ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản như tháng 9/2022 cháy quán karaoke An Phú (số 166C, Bùi Thị Xuân, khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) khiến 33 người thiệt mạng. Tháng 11/2016, cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 13 khách đến hát ở quán tử vong… Tháng 3/2018, cháy chung cư Carina quận 8, TP.HCM làm 13 người chết. Tháng 3/2017, cháy một căn nhà trên đường Tỉnh Lộ 10 (phường Tân Tạo, Q. Bình Tân, TP.HCM) khiến 4 người trong một gia đình tử vong, trong đó có 2 trẻ song sinh. Tháng 7/2017, cháy nhà ở kết hợp sản xuất bánh kẹo ở thôn Thượng, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) làm 8 người chết…
Có thể thấy, thảm kịch cháy nổ chủ yếu xảy ra ở quán karaoke, nhà dân, nhất là các nhà chung cư cao tầng. Nguyên nhân cháy hầu hết do chập nguồn điện, do những bất cẩn tưởng nhỏ trong quá trình sửa chữa nhà, tia lửa từ các mối vẩy hàn bắn ra, bắt mồi vào các vật liệu nhẹ, dễ gây cháy nên nhanh chóng bùng phát thành đám lửa lớn. Cùng với đó việc tự cơi nới, ngăn cách ra thành nhiều phòng, gác mái, tìm mọi cách tăng diện tích hoặc bịt kín các lối để đảm bảo an toàn mà xem nhẹ phần không gian đối lưu không khí, lối thoát hiểm khi có sự cố đã dẫn tới hậu quả đau lòng.
Nhiều vụ cháy nổ, khi công bố ảnh hiện trường mới thấy cả căn nhà lớn chỉ duy nhất một lối ra vào, khung cửa lại nhiều lớp nên khi xảy ra hỏa hoạn, mọi nỗ lực cầu cứu và người dân xung quanh lao vào cùng dập lửa đều bất lực.
Vấn đề đáng nói là trong mọi giấy phép xây dựng, sửa chữa công trình nhà ở, cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke thì hạng mục phòng cháy chữa cháy luôn được xem trọng và kiểm tra từ bản vẽ đến hiện trường. Song, khi có sự cố xảy ra, thì từ giấy phép đến hiện trạng thực tế lại cách nhau khá xa. Ý thức tuân thủ, chấp hành các quy định phòng chống cháy nổ là trước hết nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng cho chính chủ nhà, chủ cơ sở. Trách nhiệm kiểm tra, giám sát liên tục, thường xuyên, kỹ lưỡng của cơ quan chức năng tại địa bàn là nhằm thực thi bảo vệ sự an toàn khu dân cư. Cả hai động thái cơ bản này đã bị xem nhẹ, bị buông lỏng. Khi xảy ra thảm kịch, mọi truy cứu đều có thể tìm ra nguyên nhân từ đâu, tại ai nhưng sinh mạng con người thì chẳng thể vãn hồi.
Một chủ kinh doanh hệ thống karaoke tại TP.HCM từng than vãn với chúng tôi về tình trạng vắng khách sau mỗi vụ cháy, dù cơ sở vốn luôn đảm bảo hệ thống phòng chống cháy nổ. Nghĩa là khách cũng biết… sợ mà gác lại niềm vui ca hát. Nhưng đó là một nhu cầu chính đáng. Cái cần là việc quy hoạch loại hình kinh doanh có điều kiện này phải hợp lý, kiểm soát chặt chẽ, thực chất để đáp ứng nhu cầu thực tế, góp phần tăng nguồn thu mảng thương mại – dịch vụ. Chứ không phải buông lỏng, kiểm soát kém (hay có hiện tượng nhắm mắt bỏ qua) để khi xảy ra hậu quả thì… cấm phứt cho an toàn.
Một trong những hướng đề xuất là nên đưa loại hình karaoke ra khỏi khu dân cư, hoặc “tích hợp” nó về các trung tâm, nhà văn hóa đa năng, nơi có diện tích tổng thể lớn, có đầy đủ các phân khu chức năng để đảm bảo các chỉ số an toàn. Dù có đến 11 điều khoản để được mở quán karaoke hiện nay, trong đó điều khoản số 6 địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo từ 200m trở lên, tưởng chừng là…ràng buộc chặt chẽ song, nó lại sát cạnh nhà dân. Ô nhiễm âm thanh với nhà dân là chưa kể, việc cùng nhau cơi nới, ép sát diện tích để “thở” mà xem nhẹ tai nạn cháy nổ chính là quả bom hẹn giờ ngay trong lòng khu dân cư đô thị.
“Nước xa không thể cứu lửa gần” nhưng trách nhiệm trong tầm nhìn quy hoạch, phê duyệt các bản vẽ, kiểm tra và giám sát thực chất hiện trạng khu dân cư, kinh doanh địa bàn để phát hiện nguy cơ, không để đám cháy xảy ra có thể cứu những sinh mạng vô tội.
Xin đừng để sự đau xót và thiếu ý thức lẫn trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra lại “cháy” lan ra lần nữa…
Quốc Học