Kiệt sức và lo lắng sau nhiều năm bị phong tỏa vì COVID và bất ổn kinh tế, người trẻ tuổi Trung Quốc đang tập với lối sống “trôi dạt” – kiếm sống bằng đủ mọi nghề trong khi rong ruổi khắp đất nước.
”Trôi dạt” – biểu hiện vỡ mộng của gen Y
Mùa hè năm ngoái, cuộc sống của Wei Ziyi sụp đổ. Chàng trai 26 tuổi này đã dành nhiều năm phấn đấu để leo lên nấc thang cuộc sống trung lưu Trung Quốc: Chuyển đến đô thị phía nam Thâm Quyến, kiếm được công việc trong lĩnh vực marketing tại một công ty công nghệ và làm việc không mệt mỏi hàng tháng trời để gây ấn tượng với các ông chủ của mình.
“Tôi chưa bao giờ nói không với bất kỳ nhiệm vụ nào”, Wei nói với Sixth Tone – ấn phẩm trực tuyến của Shanghai United Media Group, trực thuộc Thành ủy thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Sau đó, đột nhiên, tất cả đã kết thúc. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại do đại dịch COVID, công ty của Wei đã thực hiện một làn sóng sa thải nhân công.
Wei mất việc và chật vật tìm việc mới. Ngay sau đó, anh phải rời Thâm Quyến để đến một thành phố rẻ hơn gần đó. Wei dường như đi trên một con đường vô định.
Nhưng, một năm sau, Wei nói rằng anh hạnh phúc hơn bao giờ hết. Anh đã quyết định chấp nhận lối sống “trôi dạt”.
Wei mua một chiếc xe tải, chất đầy bàn ghế và loa, và hiện đang kiếm sống bằng công việc tổ chức các bữa tiệc khiêu vũ tại những khu nghỉ mát dọc theo bờ biển của Trung Quốc.
Wei nói: “Sau khi mất việc, tôi nhận ra ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở công việc hay mức thu nhập của bạn. Tôi bắt đầu xem xét lại các giá trị và mục tiêu của cuộc đời mình”.
Wei không phải là trường hợp duy nhất.
Kiệt sức sau nhiều năm trải qua các biện pháp hạn chế do COVID và tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao, nhiều thanh niên Trung Quốc đang bỏ học và trở thành “những kẻ du mục” – sống bằng đủ cách trong khi lang thang khắp đất nước.
“Trôi dạt” là biểu hiện mới nhất của sự vỡ mộng đang lan rộng trong thế hệ gen Y, sinh trong khoảng từ đầu những năm 1980 đến cuối 1990 của Trung Quốc.
Trong nhiều năm, nhiều người đã phàn nàn về cuộc sống ở các thành phố lớn của Trung Quốc: cạnh tranh ngày càng gay gắt khi ngày càng nhiều sinh viên ra trường nhưng công việc không tăng thêm.
Cảm giác đó lớn dần lên trong thời kỳ đại dịch. Với nền kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, vượt 20% vào năm ngoái – Sixth Tone cho hay.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp, từ bỏ hy vọng tìm được một công việc tốt, bỏ học và “tang ping” – nằm thẳng (từ lóng chỉ trào lưu mặc kệ sự đời diễn ra tại Trung Quốc).
Peter Yang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Kinh tế London, người nghiên cứu các phong trào của giới trẻ Trung Quốc, nói rằng các yếu tố kinh tế xã hội tương tự cũng đang khiến thế hệ gen Y áp dụng lối sống thay thế như “trôi dạt”.
Khi thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, giá hàng tiêu dùng và tài sản tiếp tục leo thang, một công việc ổn định, một ngôi nhà ở thành phố, cảm giác thỏa mãn trong công việc hoặc cuộc sống luôn nằm ngoài tầm với, Yang nói.
Theo một số cách, “trôi dạt” dường như là phiên bản năm 2023 của xu hướng “nằm thẳng”.
Không rõ chính xác có bao nhiêu người đang “trôi dạt”, nhưng nền tảng xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc tràn ngập hàng trăm bài đăng của những người trẻ tuổi chia sẻ kinh nghiệm từ bỏ sự nghiệp và trở thành kẻ “trôi dạt”.
Hầu hết họ đều ở độ tuổi 20, bị mất việc làm trong thời kỳ suy thoái hoặc quyết định nghỉ việc để thoát khỏi văn hóa làm việc “996” đầy áp lực.
Những kẻ du mục trẻ tuổi
Đối với Wei Ziyi, khao khát được trôi dạt đã hình thành trong nhiều năm. Sau khi bắt đầu học đại học, Wei có sở thích với nhạc điện tử và mơ ước được đi lưu diễn khắp thế giới với tư cách là một DJ.
Nhưng phải mất một thời gian, Wei mới có đủ can đảm để bắt đầu đi theo một con đường khác. Sau khi mất việc, anh trải qua nhiều tuần trong tình trạng bàng hoàng.
“Hôm nay tôi không phải làm việc, vậy tôi nên làm gì đây?”, anh thường có suy nghĩ như vậy.
Cuối cùng, Wei quyết định để vũ trụ quyết định số phận của mình. Anh ấy đã gửi một số bài hát cho một cuộc thi âm nhạc ở thành phố Thành Đô và tự nhủ: “Nếu lọt vào vòng trong, tôi sẽ đến Thành Đô; nếu không, tôi sẽ tiếp tục tìm việc”.
Kết quả khả quan. Sau chuyến đi Thành Đô, Wei trở lại tràn đầy năng lượng và sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới. Vào tháng 12, anh khởi hành từ tỉnh Quảng Đông trên chiếc xe tải của mình, và kể từ đó, Wei đã “trôi dạt” đến tỉnh Liêu Ninh ở đông bắc Trung Quốc, dừng lại ở 28 thành phố ven biển trên đường đi.
Đối với một số người khác, quyết định bắt đầu trôi dạt đột ngột hơn. Li Zi, 25 tuổi, nghỉ việc tại một công ty quảng cáo ở Bắc Kinh vào tháng 1 và bắt đầu đi du lịch ngay sau đó. Cô trải qua vài tháng “trôi dạt” qua châu Á, châu Phi và châu Âu.
Li thích làm việc trong ngành quảng cáo, nhưng sau ba năm làm việc ngoài giờ không ngừng, cô cảm thấy kiệt sức. Cô nhớ lại: “Điều khiến tôi bận tâm hơn cả sự kiệt quệ về thể chất là sự căng thẳng về tinh thần”.
Không giống như Wei, Li không cảm thấy căng thẳng sau khi nghỉ việc. Sau một chuyến đi ngắn về thăm bố mẹ, cô bay thẳng đến Indonesia. Kể từ đó, cô lang thang hết nước này đến nước khác, sống dựa vào số tiền tiết kiệm được khi đi làm.
Xu Dapao đã có một công việc mà nhiều đồng nghiệp của cô khao khát: vị trí tại một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, với giờ giấc ổn định và công việc được đảm bảo.
Tháng 7/2022, cô đột ngột quyết định rằng mình không thể chịu đựng được việc cuộc sống không có gì thay đổi, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
“Lúc đầu, tôi chỉ muốn thư giãn và rong ruổi trên đường một thời gian. Nhưng giờ mong muốn đó trở nên không thể ngăn cản được”, Xu nói.
Trong năm qua, Xu đã đến thăm khoảng 50 thành phố của Trung Quốc tại hơn 20 tỉnh khác nhau. Thông thường, cô chỉ ở lại một thành phố trong hai hoặc ba ngày. Điểm đến tiếp theo của cô ấy thường được chọn ngẫu nhiên.
Ye Kaikai, 27 tuổi, đã kiếm một công việc ổn định là tiếp viên trên tàu hỏa sau khi tốt nghiệp đại học, nhưng bỏ cuộc sau 3 tháng. Kể từ đó, cô liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Trong 5 năm qua, Ye đã làm nhiều việc khác nhau: dựng lều trên những ngọn núi tuyết ở Tây Tạng, mở một cửa hàng kem ở tỉnh Vân Nam và đi du lịch khắp đất nước với tư cách là một tay bass trong một ban nhạc rock.
Ye nói rằng cô đã được định sẵn để trở thành một người “trôi dạt”. Có cha mẹ ly hôn, Ye luôn chuyển nhà và chuyển trường từ khi còn nhỏ.
“Tôi đã hình thành thói quen thay đổi liên tục”, cô nói.
Lối sống lâu dài hay tạm thời?
Nhưng đối với một số người, cuộc sống “trôi dạt” chỉ có thể kéo dài trong thời gian ngắn. Li vẫn đang trả tiền thuê căn hộ trống của mình ở Bắc Kinh và chấp nhận rằng cố có thể sẽ phải quay lại cuộc sống cũ sau một năm.
Cô nói: “Không có nguồn thu nhập ổn định, tôi không thể trôi dạt lâu dài”.
Xu Dapao cũng cho rằng trôi dạt chỉ là một lối thoát tạm thời. Cha mẹ đã hỗ trợ cô trong suốt chuyến đi, nhưng bây giờ họ đang thúc giục Xu ổn định cuộc sống. Bất cứ khi nào nghĩ về tương lai, sự lo lắng trong cô lại dâng lên.
Trong khi đó, Wei lạc quan hơn. Khoản trợ cấp thôi việc cộng với thu nhập kiếm được từ công việc DJ đủ để anh duy trì cuộc sống.
Wei cũng đang cố gắng tìm cách kiếm tiền với tư cách là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Wei cho biết anh không loại trừ khả năng một ngày nào đó sẽ quay lại làm việc, nhưng anh không còn lo lắng như trước nữa.
“Tôi mới chỉ nhìn thấy một phần rất, rất nhỏ của thế giới. Tôi muốn thiết lập nhịp điệu của riêng mình”.