Sở Giao thông vận tải TP.HCM, vừa tổ chức hội nghị tham vấn về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình hiện hữu theo hình thức BOT.
QUÁ CHẬM KHI TRIỂN KHAI THEO HÌNH THỨC BOT
Năm dự án được đề nghị triển khai theo hình thức BOT, là các dự án trên đường hiện hữu được Ủy ban nhân dân TP.HCM giao Sở Giao thông vận tải Thành phố thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 98.
Đó là các dự án: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu (Q. Bình Thạnh) đến ranh giới tỉnh Bình Dương; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, từ đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân) đến ranh giới tỉnh Long An (huyện Bình Chánh); dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22, từ nút giao An Sương (Q. 12) đến đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi); dự án nâng cấp đường trục Bắc Nam, từ đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) đến cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Nhà Bè); và dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên, đoạn từ đường Phạm Văn Chí (quận 6) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, Nghị quyết 98 cho cơ chế đầu tư theo hình thức BOT trên đường cũ, và đây là phương thức mà Thành phố đã làm rồi, như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1. Theo ông Lâm, trước thực tiễn nhu cầu đầu tư, nhất là các tuyến đường trục chính, Thành phố cần nâng cấp mở rộng theo quy hoạch, nhằm bảo đảm kết nối, hiện đại hóa hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn, tổng 5 dự án dự kiến triển khai sẽ mở rộng thêm 36,5 km đường, thu hồi gần 20 ha diện tích đất và sẽ tác động đến hơn 5.000 hộ dân, nhất là các hộ dân ở quốc lộ 13 qua Bình Thạnh với tổng mức vốn đầu tư là hơn 59.000 tỷ đồng.
Cụ thể như sau: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 có chiều dài 5,9 km, vốn đầu tư 13.850 tỷ đồng, vốn ngân sách 70%. Dự án mở rộng quốc lộ 1 có chiều dài 9,6 km, tổng mức đầu tư 12.876 tỷ đồng, ngân sách thành phố 70%. Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 22 có chiều dài 9,1 km, vốn đầu tư 7.173 tỷ đông, ngân sách thành phố 50%. Dự án đường trục Bắc Nam dài 8 km, vốn đầu tư 4.473 tỷ đồng, ngân sách góp 50%. Dự án cầu đường Bình Tiên dài 3,2 km, tổng mức đầu tư 6.218, vốn ngân sách 54%.
Ông Lâm cũng giải thích rằng vì đây là các công trình đầu tiên được thực hiện theo Nghị quyết 98, nên Sở Giao thông vận tải Thành phố phấn đấu cuối năm nay hay đầu năm sau sẽ hoàn chỉnh báo cáo, rồi lập dự án khả thi, sau đó tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào quý 3 hay quý 4 năm sau.
Nhận định về phương án BOT và thời điểm triển khai, TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 cho rằng như vậy là “quá trễ” vì thời gian thí điểm của Nghị quyết 98 không còn nhiều. Theo ông, muốn doanh nghiệp tham gia đầu tư thì không thể để vòng đời hoàn vốn dự án trên 20 năm. “Thành phố nên tính toán phương án bảo lãnh cho doanh nghiệp trúng thầu được phát hành trái phiếu làm đường. Đây là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí tài chính và không phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Dự án nào làm được, rút ngắn được giai đoạn, thiết kế, thi công… thì nên có quyết định triển khai luôn, khởi công sớm, làm sớm, làm nhanh…”, ông mạnh dạn đề xuất.
TRANH LUẬN LÀM TRÊN CAO HAY CHỈ CẦN MỞ RỘNG ĐƯỜNG HIỆN HỮU
Cho đến nay, việc triển khai 5 dự án nói trên là mở rộng đường hiện hữu hay xây dựng tuyến mới trên cao vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều về quan điểm quy hoạch, thiết kế xây dựng, phương thức triển khai…
Gợi ý với các nhà đầu tư, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng xây dựng các dự án BOT trên đường hiện hữu phải làm sao đáp ứng hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước, nhà đầu tư; có tác động tốt đến giao thông, xã hội. Ông cũng đề nghị các nhà đầu tư nên áp dụng giải pháp công nghệ trong quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu tác động giao thông, nhanh chóng đưa vào khai thác.
Các đơn vị tư vấn đã đề xuất phương án xây dựng 5 tuyến đường trên theo các phương án vừa làm đường dưới thấp, đường trên cao và kết hợp các loại hình giao thông khác nhằm tránh những hệ lụy có thể xảy ra là tiếp tục xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra không đồng tình với phương án xây đường trên cao do chí phí rất cao cùng các vấn đề kỹ thuật khác. Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khuyến nghị các dự án BOT đường hiện hữu nên hạn chế đi trên cao; đồng thời nên ưu tiên nghiên cứu đi hầm, nhất là các nút giao để bảo đảm tính thẩm mỹ và cảnh quan.
Tương tự quan điểm của đại vị Tập đoàn Đèo Cả, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Thành phố (CII), cho rằng làm đường trên cao tốn 150 tỷ đồng/km, chi phí rất lớn, chưa kể chỉ giải quyết kẹt xe ở 2 đầu và không giải quyết ùn tắc đường phía dưới. Ông đề nghị, theo quy hoạch vẫn có đường trên cao; nhưng trước mắt, giai đoạn đầu cần tập trung cho nâng cấp, mở rộng đường đường hiện hữu. Sau đó, xét yêu cầu thực tế, chẳng hạn lưu lượng xe thế nào, sắp đến ngưỡng quá tải chưa,… thì tiếp tục đầu tư đường trên cao theo các thỏa thuận trong hợp đồng mà không phải đấu thầu lại”.
Về phương án tài chính, ông Lê Quỳnh Mai đề nghị nên duy trì phương án tài chính vòng đời dự án là 20 năm và không kéo dài hơn; nên thu phí theo số km mà không thu theo lượt, như vậy sẽ công bằng hơn và không tạo rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một vấn đề nan giải cho các nhà đầu tư, nhất là đơn vị thi công. Đại diện CII cho rằng, chính quyền Thành phố nên bảo đảm giải phóng mặt bằng hoàn thành 90%, lúc đó nhà đầu tư mới mạnh dạn bỏ tiền ra thi công; bởi nếu vừa thi công vừa chờ mặt bằng, rủi ro cho nhà đầu tư sẽ rất cao.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM cam kết bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, đề xuất các cơ chế về doanh thu cũng như sẽ bảo đảm các điều kiện cạnh tranh công bằng. Bởi vì đây cũng là cơ sở để áp dụng thêm cho các dự án khác, đảm bảo tính bền vững, lâu dài cho quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông của Thành phố trong giai đoạn tới.