Khi nghệ sĩ quảng cáo nói “tôi đã sai”!
“Tôi sai khi lấy uy tín bản thân ra đảm bảo cho chất lượng, công dụng của sản phẩm khi quảng cáo lố” – sáng 24/9, tại TP.HCM, diễn viên Cát Tường đã chính thức lên tiếng thừa nhận sai lầm trong việc quảng cáo lố, thổi phồng công dụng loại sữa tiểu đường Diasure.
Trước đó, năm 2021, những nghệ sĩ đàn chị đàn anh của Cát Tường cũng đã “xin cúi đầu nhận lỗi với quý khán giả” – NSND Hồng Vân vì “thiếu cẩn trọng, quảng cáo công dụng một loại thực phẩm chức năng không đúng, khiến mọi người bức xúc”, NS – MC Quyền Linh thì “tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình, khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật”.
Lời xin lỗi vì “thiếu tiết chế” của MC Quyền Linh, tiếc thay chỉ 1 năm sau, năm 2022 anh này lại ký hợp đồng 2 năm làm đại diện cho sản phẩm sữa tiểu đường Diasure. Khi các nhà chuyên môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm lên tiếng phản bác về chất lượng, tên gọi của sản phẩm thì một lần nữa, MC Quyền Linh lại thừa nhận “thấy sản phẩm được phát rất nhiều trên các đài truyền hình và đặc biệt thấy từ “viện hàn lâm chuyển giao công nghệ”. “Tôi tin vào chữ viện hàn lâm, chứ không phải bằng mọi cách quảng cáo bất chấp đâu” – MC Quyền Linh trần tình với báo chí.
Trong quy trình dàn dựng một vở diễn, khâu đầu tiên là vỡ hoang kịch bản, tức tác giả, đạo diễn, diễn viên sẽ cùng ngồi lại đọc kịch bản để giải thích, cắt nghĩa, phân tích các tầng nghĩa, nội dung, tâm lý của nhân vật, tình huống. Tôi nghĩ, chả nhẽ các “nghệ sĩ” – quảng cáo đã quên ngay cái công đoạn đầu tiên ấy. Họ, trước khi đọc, thoại “kịch bản quảng cáo”, họ cần phải hiểu – biết nội dung và hàm lượng thông tin đúng, sai cơ bản chứ không thể biện bạch rằng đã tin, đã thiếu cẩn trọng, tiết chế!
Gần như có một công thức chung cho các nghệ sĩ – quảng cáo này là chủ quan khi tin vào “công nghệ chuyển giao”, có xem qua giấy phép kinh doanh và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tin và nhận lời qua bạn bè, người quen… Cho đến khi mọi chuyện bị phanh phui thì chưa nhận lỗi liền vì còn phải chờ xác minh, chờ dư luận tạm lắng nhưng nhiều khi, thực chất là đợi cho đến khi kết thúc hợp đồng!
Điều này lý giải vì sao từ hồi tháng 2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y Tế) đã cảnh báo nhiều nhãn hàng bị phát hiện vi phạm quy định như quảng cáo thổi phồng tác dụng, gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh nhưng mãi đến gần đây các nghệ sĩ liên đới mới lên tiếng thừa nhận “tôi đã sai”.
Điều mà dư luận đang trông chờ là các cơ quan chức năng sẽ làm gì để thực thi chính cam kết của họ “cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng” – theo đề nghị của Cục An toàn thực phẩm tháng 2/2023.
Ở góc độ pháp luật, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định: Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Mặt khác, tùy vào tính đặc thù của sản phẩm được quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt khác nhau.
Còn theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối, với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Đặc biệt, cần làm rõ hành vi thế nào là giới thiệu, nội dung thế nào sẽ cho thấy mục đích sinh lợi hoặc không sinh lợi theo quy định của Luật Quảng cáo.
Trước thực trạng nhiều nghệ sĩ, diễn viên, MC nhận lời quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, chúng tôi đã có lần hỏi NSUT Diệu Hiền, bà kể: “Có một hãng thuốc mời cô làm quảng cáo nhưng cô nghĩ, mình đâu có mang bệnh để phải uống loại thuốc đó, hoặc việc mình uống có thể phù hợp, giảm bệnh nhưng đâu phù hợp với người bệnh khác nên lỡ người ta nghe mình, tin mình mua về uống, bệnh không giảm mà còn nặng thêm thì người ta mắng cho, bà nghệ sĩ này nói xạo”. Với suy nghĩ đó bà từ chối lời mời. Dù đời sống vật chất của bà không dư dả, khấm khá gì.
Trở lại lời xin lỗi của diễn viên Cát Tường, có cả những giọt nước mắt. Nhưng nó khó để “rửa sạch” những lời mà cách đó mấy năm, mấy tháng cô từng đứng trước ống kính để ra rả đảm bảo chất lượng sản phẩm trên chính người thân, bản thân, bạn bè. Lời xin lỗi một khi cứ lặp đi lặp lại và nhanh nhảu hứa hẹn, cam kết thì có khi, người mắc lỗi chẳng còn biết phân biệt đâu là lỗi hoặc… quen “sống chung với lỗi”!
Quốc Học