Gói trừng phạt của EU gây sức ép lên “hạm đội” chở dầu Nga
Theo tờ Politico, sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng, các nước Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/6 cuối cùng đã ký kết gói trừng phạt thứ 11 sẽ áp đặt đối với Moscow chỉ trong vòng hơn một năm.
Nhưng thay vì đưa ra các hạn chế mới, trọng tâm của Brussels hiện tại là thắt chặt kẽ hở trong các quy tắc hiện hành, tạo quyền hạn cho các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nêu tên các công ty vi phạm các quy tắc.
“Những nỗ lực phá vỡ các biện pháp hạn chế của EU đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ hành vi lừa đảo của các tàu vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga” , nội dung quyết định của Hội đồng châu Âu (EC) viết.
Theo tờ Politico, các quan chức châu Âu lo ngại về cái gọi là “hạm đội bóng đêm” gồm hàng trăm tàu chở dầu già cỗi chuyên vận chuyển dầu của Nga, có khả năng được mua với giá trên mức trần 60 USD/thùng do G7 áp đặt.
Rất nhiều tàu, thường thuộc sở hữu của một mạng lưới mập mờ gồm các công ty vỏ bọc, phần lớn được cho là có liên quan đến Hy Lạp, đã tắt hệ thống định vị để che giấu sự thật rằng chúng đã cập cảng Nga, hoặc nhận nhiên liệu từ các tàu chở dầu khác trên biển để che giấu nguồn gốc của nó.
Các biện pháp do EC đề xuất và được các nước thành viên đồng ý sẽ cấm các tàu bị nghi ngờ có những hành vi mờ ám này vào các cảng của EU “bất kể cờ đăng ký của họ là gì” . Các tàu chở dầu cũng sẽ phải thông báo cho cơ quan chức năng nếu họ đang lên kế hoạch chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác “trước ít nhất 48 giờ” trong các khu vực địa lý cụ thể.
Byron McKinney – Giám đốc tổ chức thông tin thị trường toàn cầu S&P – cho biết: “Gói [trừng phạt] này có một số thách thức tiềm tàng và gây thêm căng thẳng cho các công ty về mặt tuân thủ, nhưng cảm giác của tôi là cuối cùng nó đã được giảm nhẹ.”
Một phân tích từ S&P ước tính rằng, có khoảng 167 tàu chở dầu đã tham gia vào việc vận chuyển dầu theo kiểu từ tàu này sang tàu khác với một tàu của Nga và sau đó cập bến tại một cảng của EU.
Theo tờ Politico, các quốc gia có ngành công nghiệp hàng hải lớn như Hy Lạp, Síp và Malta ban đầu bày tỏ sự dè dặt về kế hoạch trấn áp các hoạt động này, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng họ đang cố gắng bảo vệ các công ty vận tải biển của mình.
Maria Shagina – nhà nghiên cứu trừng phạt cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế – cho biết: “Gói [trừng phạt] mới là tốt, nhưng nó có triệt để không? Có lẽ là không. Có khả năng EU có thể làm nhiều hơn để gây tổn hại cho Nga nhưng hiện tại chúng ta đang ở thời điểm mà mọi người đều cảm thấy mệt mỏi. Hy Lạp và Hungary đang mặc cả về danh sách bêu tên và đó là một thách thức để giữ liên minh [EU] này đoàn kết với nhau.”
“Có sự chia rẽ… Có những người về cơ bản muốn có một lệnh cấm vận hoàn toàn. Còn Đức, Pháp và các quốc gia khác đang nói: ‘Chà, chúng ta phải nghĩ về các biện pháp trừng phạt không làm tổn thương chúng ta nhiều hơn mục tiêu'”, bà Shagina nói.
Gói trừng phạt được chờ đợi từ lâu nhằm hạn chế “hạm đội bóng đêm” vận chuyển dầu thô của Nga. Ảnh: Politico
Nga tăng sản lượng để bù đắp doanh thu bị mất?
Theo tờ Politico, Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu sang các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan trong những tháng gần đây; trong khi số liệu cho thấy EU đang nhập khẩu nhiên liệu tinh chế từ dầu thô của các quốc gia châu Á này.
Ví dụ, tại New Delhi (Ấn Độ) đã chứng kiến lượng giao hàng dầu thô của Nga tăng vọt từ khoảng 1 triệu thùng/tháng lên 63 triệu thùng chỉ trong tháng 4. Trong khi đó, xuất khẩu dầu diesel từ Ấn Độ sang EU đã tăng gấp 10 lần và xuất khẩu nhiên liệu máy bay tăng hơn 250%.
Tuy nhiên, giao dịch này không vi phạm các quy tắc trừng phạt, vì G7 muốn cắt giảm thu nhập của Nga trong khi không làm thị trường dầu mỏ toàn cầu mất đi sự ổn định.
Vào tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) báo cáo rằng khối lượng vận chuyển dầu thô của Moscow đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, tăng từ 50.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày, bất chấp các biện pháp kiểm soát giá.
“Thật vậy, Nga có thể đang tăng số lượng để bù đắp doanh thu bị mất”, phân tích thị trường của IEA kết luận.
Tuy nhiên, theo Maximillian Hess – một thành viên tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản về các biện pháp trừng phạt Nga có tựa đề “Chiến tranh Kinh tế”, giá dầu trần đang có tác dụng.
“Năng lực của nhà nước Nga và nền kinh tế chính trị của Nga đang thực sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi. Mặc dù sản lượng dầu tăng, nhưng nguồn thu ngân sách liên bang của Moscow từ nhiên liệu hóa thạch trong tháng 5 vừa qua thấp hơn khoảng 36% so với cùng kỳ năm trước” , ông Hess nói.