Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2011, CEO Elon Musk đã được hãng tin Bloomberg hỏi về đối thủ BYD đến từ Trung Quốc khi hãng xe điện này vẫn là cái tên lạ lẫm trên thị trường quốc tế. Khi người dẫn chương trình nói về việc Berkshire Hathaway của Warren Buffett đầu tư 10% cổ phần cho BYD, tỷ phú Elon Musk đã không ngừng cười nhạo.
“Cô đã xem chiếc xe của họ chưa?”, Elon Musk hỏi người dẫn chương trình, sau đó thừa nhận không coi BYD là đối thủ.
“Tôi không nghĩ rằng họ có một sản phẩm tốt. Tôi không cho rằng xe điện của họ có sức hút. Công nghệ thì không được mạnh lắm và bản thân BYD cũng có nhiều vấn đề phải đối mặt tại Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng họ chỉ nên tập trung sao cho đừng phá sản ở Trung Quốc là được”, tỷ phú Elon Musk cười nói.
Thậm chí tại thời điểm đó, tỷ phú nhà Tesla còn cho rằng tuyên bố sẽ cho ra mắt xe điện rẻ hơn của BYD là ngông cuồng khi giá thành sản xuất tại California-Mỹ của Tesla rẻ hơn 10-20% so với ở Trung Quốc. Lúc này đế chế nhà Elon Musk vẫn chủ yếu sản xuất linh kiện từ Mỹ, Mexico.
Thế nhưng chỉ 12 năm sau, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.
Vả mặt
“Đó đã là quá khứ nhiều năm trước. Sản phẩm của họ giờ đây cực kỳ cạnh tranh”, Elon Musk đã phải thừa nhận sai lầm khi cười nhạo hãng xe điện BYD 12 năm trước.
Vào tháng 4/2023, BYD công bố lợi nhuận đã tăng hơn 400% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán xe thì tăng gần 100% lên 550.000 chiếc trên toàn cầu. Sản phẩm của hãng cũng vượt qua ông trùm xe hơi Volkswagen để trở thành chiếc xe được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc.
Trong khi BYD vượt Tesla để thống trị Trung Quốc, hãng cũng bành trướng mạnh ở thị trường Châu Âu, Châu Mỹ Latinh và lan ra toàn Châu Á.
“BYD rất, rất mạnh”, CEO Oliver Blume của Volkswagen cũng phải thừa nhận.
Việc Trung Quốc ứng dụng công nghệ xe điện và tạo điều kiện phát triển cho ngành này đã tạo nên sự thay đổi mà ngay cả Elon Musk cũng chẳng ngờ tới. Chuỗi cung ứng của họ từ mức phát triển nhỏ lẻ, đắt hơn so với cả Mỹ cách đây 12 năm trong ngành xe điện thì nay đã có cả một mạng lưới toàn diện vượt trội hơn bất cứ quốc gia nào ở mọi linh kiện xe điện, từ ắc quy, phần mềm cho đến phần cứng.
Hiện Trung Quốc cũng là thị trường xe điện lớn nhất thế giới khi chiếm 59% tổng doanh số bán ô tô điện toàn cầu năm 2022. Quốc gia này cũng sản xuất đến 6,7 triệu chiếc xe điện, chiếm 64% toàn cầu trong năm ngoái.
Sức mạnh của ngành xe điện Trung Quốc kinh khủng tới mức CEO Jum Farley của Ford phải thừa nhận đối thủ của họ hiện nay không còn là GM hay Toyota nữa mà là các hãng xe Trung Quốc.
“Các hãng xe Trung Quốc sẽ trở thành ông lớn trên thị trường”, CEO Farley ngậm ngùi.
“Thật nực cười rằng BYD vượt trước Tesla rất nhiều tại Trung Quốc. Tôi chưa từng giúp Berkshire có dự án đầu tư nào tốt được như BYD”, Charlie Munger, cánh tay phải của Warren Buffett nói sau khi chủ đạo việc đổ tiền vào BYD năm 2008.
Điều trớ trêu hơn là cùng năm đó, Elon Musk đã dùng bữa trưa với Munger để đề nghị Berkshire rót vốn cho Tesla nhưng nhà đầu tư này đã từ chối mà lựa chọn BYD.
Trong quý I/2023, BYD chiếm đến 40% thị phần xe điện Trung Quốc, cao hơn nhiều so với chỉ 10% của Tesla.
Thậm chí đế chế nhà Elon Musk đã phải kích động cuộc chiến dìm giá để giành thị phần tại Trung Quốc khi lợi thế nhà Tesla dần xói mòn trước sự bành trướng của những người chơi mới.
Elon Musk ‘quay xe’
Dù cười chê BYD cách đây 12 năm cũng như nghi ngờ khả năng cung ứng của Trung Quốc với ngành xe điện nhưng hiện Tesla lại phụ thuộc rất lớn vào thị trường này.
Nhà máy của Elon Musk tại Thượng Hải hiện sản xuất hơn 50% tổng số sản phẩm mà Tesla bán trên toàn cầu. Thị trường Trung Quốc thì mang về 18,15 tỷ USD doanh số, chiếm đến hơn 1/5 tổng doanh thu của hãng năm 2022.
Sự chuyển biến 180 độ của Elon Musk là hoàn toàn có cơ sở khi Trung Quốc nắm giữ những ưu thế mà không một thị trường nào có được.
Hiện cường quốc Châu Á đang kiểm soát 41% Cobalt thô và 28% Lithium thô toàn cầu. Bên cạnh đó họ cũng tăng cường thu mua, đầu tư tài nguyên ở các quốc gia khác để đảm bảo nguồn cung Nickel, Mangan và than chì ổn định cho việc sản xuất ắc quy.
Quốc gia này cũng đang tinh chế đến 95% Mangan, 73% Cobalt, 70% than chì, 67% Lithium và 63% Nickel trên toàn cầu.
Ngoài ra nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng đang sản xuất đến 92% cực âm và 77% cực dương của ắc quy điện trên toàn cầu. Thậm chí công nghệ cực dương LFP không dùng Nickel, Mangan và Cobalt được Phương Tây kỳ vọng là cứu cánh hiện nay cũng bị Trung Quốc sản xuất đến 99%.
Thậm chí ngay cả đến những phần nhỏ nhặt trong ắc quy xe điện cũng bị Trung Quốc thống trị. Ví dụ thị trường này đang sản xuất đến 74% tấm cách (Separator) và 82% chất điện giải trong ắc quy trên toàn cầu.
*Nguồn: Fortune