Tờ New York Times (NYT) cho hay Trung Quốc đang đối phó với đợt nắng nóng hiện nay bằng…than khi dùng loại nguyên liệu này làm chất đốt cho các nhà máy nhiệt điện, qua đó đáp ứng nguồn cung năng lượng máy điều hòa của người dân.
Trung Quốc là nước sản xuất nhiều điện nhất trên thế giới, tăng trưởng bùng nổ kể từ thập niên 1990 và vượt qua Mỹ vào năm 2011 để đứng đầu thế giới. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất tới 8,5 PWH (1 PWH=1.000.000.000.000 KWH), chiếm 30% lượng điện toàn cầu và cao hơn cả 3 nước đứng sau gồm Mỹ, Ấn Độ và Nga cộng lại.
Số liệu của Statista vào tháng 4/2023 cho thấy khoảng 63% điện năng Trung Quốc đến từ nhiệt điện đốt than và chỉ 14% đến từ thủy điện, còn lại là nguồn điện từ gió, mặt trời, điện hạt nhân, khí đốt…
Theo tờ Guardian, Trung Quốc đang ngày một nóng hơn, người dân giàu hơn và đương nhiên chuyện dùng điều hòa dần trở nên phổ biến. Khoảng 2/5 số điều hòa tiêu thụ hiện nay trên thế giới là ở thị trường Trung Quốc.
Hậu quả là thời tiết càng nóng, người dân càng dùng điều hòa nhiều khiến khí hậu tiếp tục nóng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Tuy nhiên câu chuyện khiến mọi người quan tâm ở đây là về điện khi vào những ngày oi bức, khoảng 50% lượng điện tiêu thụ của các hộ dân Trung Quốc là cho điều hòa và quạt.
Sự trái ngược trớ trêu
Trung Quốc là nước dẫn đầu về năng lượng xanh nhưng lại phải phát triển nhiệt điện than do thiếu điện. Nền kinh tế này dẫn đầu thế giới về chuỗi cung ứng tấm năng lượng mặt trời cho đến ắc quy điện, nhưng đồng thời cũng là nước gây ô nhiễm môi trường vì nhiệt điện than nhất.
Từ trước năm 2023, Trung Quốc đã chiếm gần 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng trên toàn cầu, cao hơn cả Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản cộng lại. Nguyên nhân chính là nền kinh tế này tiêu thụ than hơn toàn bộ các thị trường khác cộng lại.
Riêng trong tháng trước, Trung Quốc đã tiêu thụ nhiều nhiệt điện than hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái ngược với chiến lược giảm ô nhiễm không khí và hạn chế khai thác than cũng như cam kết bảo vệ môi trường trước đây, Trung Quốc hiện đang tăng cường khai khoáng loại tài nguyên này 2 năm trở lại đây. Các mỏ khai thác được mở rộng và nhiều nhà máy nhiệt điện mới được dựng lên.
Thậm chí truyền thông nhà nước còn tuyên dương việc 1.000 công nhân làm việc suốt mùa thu không nghỉ để hoàn thiện nhà máy nhiệt điện than lớn nhất thế giới ở miền Đông Nam Trung Quốc nhằm phục vụ nhu cầu người dân cho mùa hè này.
Đây là di chứng của cuộc khủng hoảng mất điện diện rộng năm 2021 khi Trung Quốc mới mở cửa trở lại.
Việc hạn chế khai thác than để chống ô nhiễm không khí cùng sự đứt gãy nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu đã khiến nền kinh tế này thiếu điện khi các nhà máy mở cửa trở lại. Trong khi thủy điện và năng lượng xanh chưa đáp ứng được nhu cầu thì nhiệt điện than vẫn là nguồn năng lượng chính.
Mặc dù vậy, NYT nhận định việc Trung Quốc phát triển cả năng lượng xanh lẫn nhiệt điện than đến từ yếu tố địa lý lẫn địa chính trị.
Chiến lược giải nhiệt
Tại những nước giàu tài nguyên như Mỹ, không một nhà máy nhiệt điện than nào được xây mới suốt 10 năm qua trong khi lượng than sử dụng để chạy điện đã gần như chững lại, thay vào đó là khí đốt.
Trái ngược lại, Trung Quốc không có nhiều tài nguyên dầu mỏ nhưng lại thừa than. Tính đến năm 2021, Trung Quốc có 143.196 triệu tấn trữ lượng than, đứng thứ 4 thế giới chỉ sau Nga, Australia và Mỹ.
Quốc gia 1,4 tỷ dân này hiện đang phải nhập khẩu dầu khí chủ yếu từ nước ngoài, nhất là những nguồn cung như Mỹ hay Ấn Độ, vốn là đối thủ thương mại của Trung Quốc. Bởi vậy việc phát triển nguồn năng lượng thay thế song song là nhiệm vụ cấp thiết với chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, vụ việc nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản rò rỉ năm 2011 khiến Trung Quốc e ngại mảng năng lượng này.
Ở mảng năng lượng xanh, số liệu của Liên hiệp năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) cho thấy Trung Quốc dẫn đầu thế giới về các dự án điện gió và năng lượng mặt trời. Tổng công suất điện mặt trời của Trung Quốc cao gấp 3,5 lần so với Mỹ, con số này là 2,6 lần ở mảng điện gió.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng xây dựng được mạng lưới đường dây điện cao áp, vốn cần dùng để kết nối và truyền tải năng lượng xanh, hơn toàn bộ các nước trên thế giới cộng lại.
Tuy nhiên chi phí lắp đặt, xây dựng này chẳng hề rẻ trong khi không phải lúc nào cũng có nắng hay gió.
Tương tự ở mảng thủy điện, dù xây hàng loạt những con đập siêu to khổng lồ nhưng chúng lại phụ thuộc vào vị trí địa lý cũng như mùa mưa lũ-khô hạn.
Hệ quả là đến tháng 1/2023, nền kinh tế số 1 thế giới đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thêm hơn 300 nhà máy nhiệt điện, tương đương 2/3 tổng số công suất nhà máy nhiệt điện trên thế giới.
Rất rõ ràng, Trung Quốc đang khó sống thiếu nhiệt điện than, nhất là trong mùa hè khi người dân cần dùng điều hòa, còn các nhà máy thì cần điện để hoạt động sản xuất.
*Nguồn: NYT