Cảnh báo này được đưa ra trong nghiên cứu công bố ngày 18/9 trên tạp chí khoa học Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Nghiên cứu chủ yếu dựa trên các loài mà Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã đưa vào danh sách tuyệt chủng. Trong đó, các nhà khoa học tập trung nghiên cứu động vật có xương sống (ngoại trừ các loài cá) do có sẵn nhiều dữ liệu hơn so với các loài khác.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, 73 trong số khoảng 5.400 chi (gồm 34.600 loài) đã tuyệt chủng trong 500 năm qua. Phần lớn trong số 73 chi này đã tuyệt chủng trong hai thế kỷ qua.
Sau đó, các nhà khoa học so sánh kết quả này với tốc độ tuyệt chủng được ước tính đối với các mẫu hóa thạch cách đây hàng triệu năm. Sự so sánh cho thấy tốc độ tuyệt chủng đã diễn ra nhanh hơn. Nói cách khác, đáng nhẽ ra sẽ phải mất 18.000 năm, chứ không phải 500 năm, để dẫn đến sự tuyệt chủng của 73 chi nói trên. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những ước tính nói trên có thể chưa chắc chắn vì một số loài vẫn chưa được xác định rõ và dữ liệu về các mẫu hóa thạch chưa được hoàn thiện.
Giải thích về tốc độ tuyệt chủng như hiện nay, nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính là do các hoạt động của con người, như phá hủy môi trường sống để lấy đất canh tác hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như săn bắn và đánh bắt cá quá mức…
Bày tỏ quan ngại về tương lai của loài người, Giáo sư Gerardo Ceballos thuộc Đại học tự trị quốc gia Mexico, nhận định cuộc khủng hoảng do đợt tuyệt chủng này gây ra sẽ tồi tệ như cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu gây ra.
Điều đáng chú ý là nghiên cứu trên không chỉ đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của một loài mà xem xét nguy cơ này đối với toàn bộ các chi.
Mặc dù không phải là thành viên, nhưng nhà nghiên cứu về sinh vật học Robert Cowie thuộc Đại học Hawaii đánh giá công trình nghiên cứu trên có ý nghĩa to lớn vì đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên đánh giá tốc độ tuyệt chủng ở cấp độ cao hơn loài. Theo ông Cowie, nghiên cứu này tạo nên viễn cảnh trong tương lai, trong đó toàn bộ sự sống sẽ biến mất hoàn toàn, giống như sự mất đi toàn bộ “nhánh” của “Cây sự sống”. Đây là hình ảnh ẩn dụ mà nhà bác học người Anh Charles Darwin đưa ra để trình bày thuyết tiến hóa của mình. Mô hình “Cây sự sống” chỉ ra mối quan hệ giữa các loài thực vật, động vật và vi khuẩn, đang sống và đã tuyệt chủng, trong thế giới sống của loài người.
Giáo sư Ceballos tiếp tục nhận định rằng, sự biến mất của một chi có thể gây ra những hậu quả khác nhau đối với toàn bộ hệ sinh thái. Giáo sư bày tỏ quan ngại rằng sự tuyệt chủng của các loài sinh vật sống trên Trái Đất cũng là chỉ dấu của sự sụp đổ của nền văn minh.
Các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng tốc độ tuyệt chủng hiện nay đang phát đi tiếng chuông cảnh báo. Tuy nhiên, liệu điều này có là chỉ dấu của giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 hay không thì vẫn còn là vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Nhìn chung, các nhà khoa học định nghĩa một cuộc đại tuyệt chủng xảy ra khi 75% loài trên Trái Đất biến mất trong một thời gian rất ngắn. Theo nhà nghiên cứu Cowie, nếu dựa trên định nghĩa trên thì đợt đại tuyệt chủng lần thứ 6 vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, ông Cowie cảnh báo, với tốc độ tuyệt chủng hiện nay hoặc nhanh hơn, các loài sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ và đợt đại tuyệt chủng thứ 6 sẽ xảy ra.
Nhìn lại 5 cuộc đại tuyệt chủng trên Trái đất trước đây:
1. Cuộc tuyệt chủng Ordovic-Silurian (444 triệu năm trước)
Lần tuyệt chủng đầu tiên xảy ra vào khoảng 444 triệu năm, xoá sổ 85% sự sống trên Trái đất, khi hầu như tất cả sự sống đều ở dưới biển và thực vật chỉ mới bắt đầu xuất hiện trên đất liền.
Các nhà khoa học tin rằng, rất có thể đó là kết quả của quá trình nguội lạnh toàn cầu và mực nước biển giảm, tác động đáng kể đến nhiều loài sinh vật biển sống ở các vùng nước nông ven biển ấm áp.
Cuộc đại tuyệt chủng Ordovir-Silur có thể là kết quả sự lạnh đi toàn cầu và mực nước biển thấp
Vào thời điểm bắt đầu của sự kiện Late Ordovic, thế giới là một nơi rất khác so với ngày nay, hầu hết các lục địa kè sát nhau thành một siêu lục địa duy nhất có tên là Gondwana.
Các chuyên gia cho rằng sự hạ nhiệt toàn cầu có thể được bắt đầu bởi sự trỗi dậy của dãy núi Appalachian ở Bắc Mỹ, từ đó hút carbon dioxide ra khỏi bầu khí quyển, làm lạnh hành tinh và dẫn đến mực nước biển giảm hàng chục mét.
2. Cuộc tuyệt chủng cuối kỷ Devon (383 – 359 triệu năm trước)
Từ khoảng 383 triệu năm trước, một loạt các xung dẫn đến nồng độ oxy trong đại dương giảm mạnh và cuối cùng khiến 75% các loài trên Trái đất biến mất trong khoảng thời gian 20 triệu năm.
Không rõ điều gì đã gây ra sự tuyệt chủng đặc biệt này, nhưng núi lửa, một tiểu hành tinh va vào Trái đất, và thậm chí là một thời kỳ thích nghi của thực vật, là những giả thuyết nguyên nhân.
Một khu vực đá núi lửa lớn ngày nay gọi là “Bẫy Siberia” đã phun trào trong hàng triệu năm của hiện tượng Kellwasser. Nó phun ra 380.000 mét khối dung nham và giải phóng khí sulfur dioxide vào khí quyển, gây ra mưa axit, có thể đã dẫn đến cuộc tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cho rằng thực vật cũng có thể góp phần. Điều này là do khi chúng thích nghi, nhiều loài trở nên lớn hơn, rễ của chúng sâu hơn, làm tăng tốc độ phong hóa đá. Quá trình đó làm cho các chất dinh dưỡng dư thừa chảy từ đất liền vào đại dương nhiều hơn, gây ra sự phát triển của tảo, nhưng cũng dẫn đến sự hình thành vùng chết trong nước của Trái đất vì khi tảo chết đi, nó sẽ lấy đi oxy từ các đại dương.
Các nhà khoa học cho biết không chỉ thực vật bị bệnh mà sự lan rộng của cây cối cũng sẽ hút carbon dioxide ra khỏi bầu khí quyển, và điều này có thể gây ra hiện tượng nguội lạnh toàn cầu.
3. Cuộc tuyệt chủng kỷ Permi-Trias (252 triệu năm trước)
Một vụ phun trào núi lửa lớn giải phóng các chất hóa học đã tước bỏ tầng ozone của Trái đất, khiến các sinh vật sống tiếp xúc với bức xạ chết người của Mặt trời, được cho là đã gây ra cuộc tuyệt chủng hàng loạt Permi-Trias.
Tuy nhiên, điều tồi tệ hơn vẫn sẽ xảy đến, vì sau cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Devon, cuộc ‘Đại diệt vong’ (Great Dying) đã diễn ra.
Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Permi này là sự kiện lớn nhất mà Trái đất phải đối mặt và là sự kiện ảnh hưởng sâu sắc nhất đến hệ sinh thái của hành tinh chúng ta. Nó xảy ra cách đây 252 triệu năm, chứng kiến 97% các loài (để lại hóa thạch) biến mất vĩnh viễn.
Tất cả sự sống trên Trái đất ngày nay chỉ là nguồn gốc của khoảng 10% động vật, thực vật và vi sinh vật sống sót sau cuộc đại tuyệt chủng kỷ Permi.
Trước đây, người ta tin rằng một vụ phun trào khổng lồ đã bao phủ Trái đất trong lớp sương mù dày đặc, ngăn tia Mặt trời chiếu tới bề mặt hành tinh.
Tuy nhiên, những phát hiện mới cho thấy một vụ phun trào núi lửa lớn kéo dài gần một triệu năm đã giải phóng một lượng lớn các chất hóa học chết người vào bầu khí quyển, phá hỏng tầng ozone của Trái đất. Lớp bảo vệ duy nhất chống lại tia UV của Mặt trời bị phá huỷ, đã gây ra làn sóng tuyệt diệt các sinh vật.
4. Cuộc tuyệt chủng kỷ Jura-Trias (201 triệu năm trước)
Cuộc tuyệt chủng hàng loạt vào cuối kỷ Trias cách đây 201 triệu năm là do một vụ phun trào quy mô lớn ở mảng Magma Trung Đại Tây Dương, báo trước sự phân tách của siêu lục địa Pangea (trái, ảnh dưới) và sự mở đầu của nơi sẽ trở thành Đại Tây Dương (phải, ảnh dưới).
Quá trình axit hóa các đại dương do Vùng Magma Trung Đại Tây Dương phun trào, khiến nhiệt độ trên Trái đất tăng lên.
Sau khi hồi phục từ cuộc ‘Đại diệt vong’, sự sống một lần nữa tiếp tục phát triển và đa dạng hóa, nhưng lại phải hứng chịu một bước lùi khác vào khoảng 201 triệu năm trước.
Lần này, có tới 80% tất cả các loài sinh vật biển và đất liền bị xóa sổ, phần lớn là do quá trình axit hóa các đại dương trong kỷ Trias.
Vào cuối thời kỳ đó, Trái đất nóng lên, có khả năng là do lượng khí nhà kính khổng lồ bị đẩy vào bầu khí quyển bởi Vùng Magma Trung Đại Tây Dương, nơi có dung tích dung nham có thể bao phủ nước Mỹ.
Sự gia tăng khí CO2 đã làm axit hóa các đại dương và khiến các sinh vật biển khó tạo vỏ từ canxi cacbonat (CaCo3) hơn. Nó cũng khiến cá sấu, loài động vật có xương sống thống trị vào thời điểm đó, chết hết. Sau đó, những loài khủng long sớm nhất bắt đầu xuất hiện trên khắp thế giới.
5. Cuộc tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen (66 triệu năm trước)
Khoảng 98% tất cả các sinh vật từng tồn tại trên hành tinh của chúng ta đã biến mất trong quá trình lịch sử Trái đất. Nhưng không có sự tận diệt nào nổi tiếng hơn sự kết thúc của “triều đại” khủng long cách đây 66 triệu năm.
Tiểu hành tinh Chicxulub, rộng khoảng 12km, đã đâm vào Trái đất ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico ngày nay với vận tốc ước tính 70.000 km/h.
Nó không chỉ để lại một miệng núi lửa rộng hơn 190km, mà còn gây ra một trận sóng thần khổng lồ và đốt cháy mọi cánh rừng trên bất kỳ vùng đất nào trong vòng gần 1.500km sau vụ va chạm.
Bụi và các mảnh rác phun ra bầu khí quyển cũng dẫn đến sự nguội lạnh toàn cầu và khiến các hệ sinh thái gần như sụp đổ ngay lập tức. Thảm kịch đã dẫn đến việc xoá sổ khoảng 76% số loài sinh vật trên thế giới.