Tờ Los Angeles (LA) Times cho biết, những trận mưa lớn của mùa đông và mùa xuân đã lấp đầy “hồ ma” và nhắc nhở người dân về hệ thống thủy văn của California.
Vùng đất ngập nước
Sa mạc Mojave trong quá khứ từng là nơi với những vùng nước một thời tráng lệ được đặt tên là Manly, Searles, Panamint, Tecopa, Manix. Thành phố sa mạc Blythe, ở rìa phía đông của California, từng là một món tài sản quý, ven biển, dọc theo Vịnh California.
Về cơ bản, California của hàng ngàn và hàng triệu năm trước là một vùng đất ngập nước với băng, hồ và sông. Với những cơn mưa dữ dội, một số hồ nước xưa cũ này đã quay trở lại.
Hồ Tulare, ở Thung lũng San Joaquin, từng là hồ nước ngọt lớn nhất phía tây Mississippi, rộng khoảng 800 dặm vuông, cung cấp không gian sống và sinh kế cho nhiều người Mỹ bản địa, hồ dâng lên và hạ xuống theo dòng chảy của băng tuyết trên núi.
Nhưng khoảng một trăm năm trước, tất cả các tuyến đường thủy đó đã được chuyển hướng đến các trang trại, và chính lòng hồ đã bị cày xới và canh tác để trồng trọt. Nước trong hồ từ đó phần lớn đã cạn kiệt.
Bây giờ thì những loại cây trồng ở khu vực đó – bông, quả hồ trăn, cà chua, và các các trang trại trồng những loại quả này, đang gặp nguy hiểm. Robert Jeff, một trong những lãnh đạo của bộ lạc người dân bản địa cho biết: “Là người bản địa, trong tâm hồn chúng tôi luôn cảm thấy thiếu điều gì đó. Và như bạn thấy đấy, hồ nước đã hồi sinh trở lại. Điều đó đã đánh thức rất nhiều tâm hồn.”
Stephanie Pincetl, giáo sư tại Viện Môi trường và Bền vững tại UCLA, cũng bày tỏ quan điểm tích cực về hiện trượng này: “Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể chế ngự thiên nhiên và tái cấu trúc nó mà không để lại hậu quả gì. Và chúng ta đang thấy rằng theo thời gian, điều này không đúng. Sự hồi sinh của hồ nước là một minh chứng. Có lẽ trong tương lai, chúng ta nên tôn trọng thiên nhiên hơn. Sự trở lại của những vùng nước này mang lại ý nghĩa to lớn, không chỉ về mặt tinh thần và sinh kế cho người bản địa mà chúng còn mang lại môi trường sống cực kỳ quý giá cho các sinh vật, cung cấp nước ngầm… Có rất nhiều lý do tại sao hồ nước nên được tồn tại.”
Người dân bản địa của hồ Tulare coi hồ là quê hương của họ. Họ sống và đánh bắt cá từ hồ. Không ai thực sự nhớ vùng đất này đã chuyển đổi như thế nào để xây dựng các con đê và biến thành đất nông nghiệp mà chủ yếu là với nông nghiệp với quy mô cực lớn.
Aljazeera đưa tin, người dân bản địa ở thung lũng trung tâm của California cũng đang hát các bài ca chào mừng hồ ma trở lại. Họ tôn vinh sự trở lại của hồ và chào đón các du khách tới các buổi lễ dọc bờ biển.
Lần cuối cùng hồ ma quay trở lại là năm 1983. Nhiều người dân bản địa từ bé đã nghe về hồ nhưng chưa từng được nhìn thấy. Một người cho biết: “Được nhìn thấy hồ quay trở lại là một điều may mắn trong cuộc đời tôi. Tôi đã có cơ hội đưa các cháu của mình tới thăm hồ. Và chúng tôi tin rằng hồ nên được bảo tồn.”
Stephanie Pincetl cho biết: “Tôi lấy làm tiếc cho những người đã xây dựng cuộc sống của họ nhờ vào việc làm nông ở khu vực này.”
Cận cảnh các con hồ đầy nước, hồ ma quay trở lại
California đã chứng kiến lượng mưa và tuyết dày kỷ lục trong mùa đông vừa qua. Do đó, Hồ Shasta và Hồ Oroville, hai trong số các hồ chứa lớn nhất của bang, đã hồi phục từ mức nước thấp nguy hiểm vào năm ngoái tới mức gần như tối đa vào năm nay.
Những bức ảnh chụp Hồ Oroville vào tháng 9 năm 2021 và tháng 4 năm 2023 cho thấy sự thay đổi rõ rệt.
Nhận xét về sự quay trở lại của “hồ ma” Tulare, các nhà khoa học cho biết, chu kỳ thời tiết với những năm nắng nóng tới khô hạn và những năm mưa nhiều đến lũ lụt và sạt lở đất như hiện nay sẽ trở nên thường xuyên hơn.
Dưới đây là hình ảnh sự trở lại của hồ ma Tulare ở California: