Biến rác thải nông nghiệp thành tiền
Nhiều start-up trẻ đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kiếm được thu nhập từ việc biến các loại vật liệu là rác thải nông nghiệp thành sản phẩm hữu ích, thời thượng.
Trở về từ Triển lãm quốc tế vải cao cấp – Texfuture Việt Nam 2023, anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Nghiên cứu Sản xuất và Phát triển sợi Ecosoi, cho biết trong 3 ngày triển lãm (20 đến 22-9), anh đã tiếp nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm làm từ sợi dứa (thơm). Nhiều lịch hẹn làm việc để xúc tiến mua hàng, nhiều đề nghị hợp tác nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ làm sợi từ lá dứa đã được thiết lập.
Làm vải sợi từ xơ dứa
Theo anh Hạnh, xu hướng ngành may mặc tìm đến sợi xanh, vải làm từ nguyên liệu thiên nhiên nên lượng khách hàng biết và tìm đến công ty ngày càng nhiều, mỗi khách hàng có tiêu chí sản phẩm riêng nên là cơ hội tốt cho doanh nghiệp nghiên cứu, đáp ứng.
“Những tác động tích cực của việc sản xuất sợi dứa như bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người yếu thế, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam… đã tạo nên sự hấp dẫn cho sợi dứa. Nhờ đó, Ecosoi thu hút được rất nhiều khách hàng quốc tế.
Trong đó, sản phẩm cuộn sợi dứa đã có nhiều khách hàng, đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Brazil; sợi thô có khách hàng từ Úc, Anh, Trung Quốc… Gần đây mở rộng thêm thị trường trong nước để phục vụ nhu cầu sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái chế trong sản xuất hàng may mặc” – anh Hạnh cho hay.
Ecosoi là đơn vị sản xuất sợi dứa đầu tiên vào năm 2021, dựa trên nền tảng là Hợp tác xã Nông sản Hạnh Phúc (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Hợp tác xã đang sở hữu tổng diện tích canh tác hơn 44 ha, hỗ trợ các hộ nông dân liên kết trồng thêm hơn 130 ha, doanh thu từ dứa và các sản phẩm nông sản đạt trên dưới 2 tỉ đồng/năm.
Không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, anh Hạnh và các cộng sự còn mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân nhiều vùng khác ở miền Bắc, Tây Nam Bộ từ lá dứa – trước đây vốn là rác thải nông nghiệp.
Anh Hạnh tính toán tại Việt Nam có hàng ngàn hecta đất trồng dứa, tương đương hàng triệu tấn lá dứa bị bỏ đi mỗi năm. Nếu mô hình chế biến tơ sợi từ lá dứa được nhân rộng, sản phẩm có đầu ra tốt, sẽ đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế và môi trường. “Trung bình, với khoảng 20 – 22 quả dứa sau thu hoạch, nông dân có thể kiếm thêm 120.000 – 170.000 đồng từ bán sợi dứa” – anh Hạnh dẫn chứng.
Năm 2023, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, mảng sản xuất nguyên phụ liệu dệt may cũng không được thuận lợi so với trước. Ecosoi tập trung nghiên cứu chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các thị trường lớn.
Sợi, vải làm từ sợi dứa thu hút sự quan tâm của khách tham quan tại Texfuture Việt Nam 2023Ảnh: Thanh Nhân
|
Biến bã cà phê, bẹ chuối thành sản phẩm đắt hàng
Tương tự Ecosoi, nhiều doanh nghiệp đã gặt hái thành công nhờ biết cách biến rác thải thành tiền. Đơn cử, chỉ sau 2 tháng ra đời, dự án “khử mùi Lộc Nhân” đã mang lại lợi nhuận cho Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân (TP HCM).
Anh Nguyễn Tấn Lộc, người sáng lập kiêm giám đốc công ty, vốn xuất thân là nhân viên ngân hàng nhưng trăn trở với lượng bã cà phê thải ra môi trường rất lớn hiện nay nên đã quyết tâm “làm một điều gì đó”.
Sau thời gian nghiên cứu, anh Lộc tìm ra cách tái sinh cho bã cà phê thành dạng viên nén và dung dịch bã cà phê để khử mùi. Với dạng viên nén, anh biến chúng thành những món quà lưu niệm khi áp dụng kỹ thuật in màu 3D, khắc laser… tạo nên những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao. Nguyên liệu kết dính là bột cây bời lời – có độ kết dính cao và bảo đảm tiêu chí không hóa chất.
“Dòng sản phẩm khử mùi có thị trường lớn là các khách sạn, nhà hàng, quán ăn… Thị trường này vẫn còn khoảng trống khi chưa có sản phẩm tiện dụng và phát huy hiệu quả như dung dịch bã cà phê” – anh Lộc nhìn nhận. Do đó, anh kỳ vọng trong vài năm tới, doanh thu sẽ đạt khoảng 3 tỉ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 40%. Ngoài ra, anh còn mong muốn chuyển giao mô hình kinh doanh của mình theo dạng nhượng quyền về các tỉnh, thậm chí là xuất khẩu bởi nguồn nguyên liệu bã cà phê có ở nhiều nơi.
Hợp tác xã Thanh Bình (Đồng Nai) chuyên về chuối già Nam Mỹ. Ba năm nay, bên cạnh nguồn thu từ chuối tươi và chuối sấy, hợp tác xã có thêm nguồn thu từ bẹ chuối khô. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Thanh Bình, cho hay mỗi năm xơ bẹ chuối khô mang về cho hợp tác xã 5-7 tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 10% tổng doanh thu. Theo ông Hùng, mảng này hiện rất tiềm năng khi nhu cầu thị trường rất lớn trong khi nguyên liệu trong nước rất nhiều.
“Khai thác bẹ chuối chủ yếu tốn công, chứ nguyên vật liệu xem như 0 đồng. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn khi lao động nông thôn hiện rất thiếu, chi phí cao. Để giải bài toán này cần sự vào cuộc của các nhà khoa học để tạo ra các loại máy chuyên dụng, giúp tăng năng suất lao động trong việc chế biến thân cây chuối thành hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng. Nếu có máy móc chuyên dụng thì khả năng doanh thu từ bẹ cây chuối có thể nâng lên 50% trong vườn chuối” – ông Hùng nói.
Cân nhắc khi khởi nghiệp Bà Lê Thị Tú Uyên – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ Yêu Thiên Nhiên (Natural Love), có kinh nghiệm nhiều năm trong kinh doanh các sản phẩm xanh, trong đó có xuất khẩu qua sàn Alibaba – cho hay giá cao là vấn đề khó trong bán nhóm sản phẩm này. “Trước dịch COVID-19, sản phẩm ống hút cỏ bán khá tốt nhưng nay đơn hàng thu hẹp khi giá cao hơn 20 lần so với ống hút nhựa. Các nhà sản xuất phải hạ giá thành hơn nữa và đa dạng sản phẩm cho cùng phân khúc khách hàng có lối sống xanh thì kinh doanh mới hiệu quả” – bà Uyên khuyến cáo. Cũng theo bà Uyên, với các nhà khởi nghiệp nhỏ, trước khi bỏ vốn để sản xuất sản phẩm xanh cần xác định phải có đam mê bảo vệ môi trường, nếu không rất dễ bỏ cuộc. Số lượng nhà sản xuất sản phẩm xanh từ rác thải sinh hoạt, cây cỏ… khá nhiều nên start-up có thể bắt đầu từ khâu thương mại, tìm hiểu thị trường trước khi quyết định đầu tư vào sản xuất.
|
Thanh Nhân – Ngọc Ánh