Để người đọc tin tức trên báo chí online trả tiền, hiện các cơ quan báo chí còn gặp khó khăn trong việc chọn phương tiện thanh toán phù hợp – Ảnh: THANH PHONG
Đó là những nội dung được chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí”. Trên thực tế, nhiều tờ báo bị giảm doanh thu do COVID-19, nên các tờ báo đang tìm cách kiếm doanh thu từ độc giả, trong đó có việc yêu cầu người dùng trả tiền để đọc báo online.
Sụt giảm đến 60-70% doanh thu
Chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kinh tế mới cho báo chí” ngày 22-7, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, các cơ quan báo chí đang đối mặt với nhiều khó khăn bởi sự sụt giảm nguồn thu từ quảng cáo, ngân sách và doanh thu bán báo.
Thống kê không đầy đủ của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều cơ quan báo chí sụt giảm đến 50%, thậm chí 60-70% doanh thu do tác động của dịch COVID-19.
Do doanh thu sụt giảm, nhiều tòa soạn đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc thu hẹp mô hình hoạt động. Một số tòa soạn phải xoay xở bằng cách tổ chức sự kiện, sản xuất nội dung cho Facebook, Google – Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh việc mất nguồn thu, báo chí còn phải đối mặt với nguy cơ mất độc giả do việc thay đổi thói quen của người dùng và sự nổi lên của các loại hình truyền thông xã hội. Việc phân phối tin tức của báo chí hiện nay cũng phụ thuộc rất lớn vào các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, lượng người đọc truy cập trực tiếp hiện chỉ chiếm dưới 20% tổng lượt truy cập vào các trang báo điện tử tại Việt Nam. Trong khi đó, 50% lượt truy cập của các báo đến từ công cụ tìm kiếm Google, còn lại là các trang mạng xã hội mà chủ yếu là Facebook. “Thực tế này đòi hỏi báo chí phải có một mô hình kinh doanh mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo và các dịch vụ xuyên biên giới” – đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí nhấn mạnh.
Đại diện Cục Tin học hóa cho rằng, điều này chỉ có thể giải quyết bằng cách dùng công nghệ chuyển đổi mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí. Khi đó, các tòa soạn phải tận dụng được nguồn tài nguyên dồi dào của báo là dữ liệu và có kế hoạch tìm kiếm nguồn thu từ chính người đọc báo.
Thu tiền từ người đọc báo online có dễ?
Số thuê bao đọc báo online trả tiền trên thế giới – Ảnh: THANH PHONG
Số liệu của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN – IFRA) cho thấy, kể từ năm 2014, tỷ trọng nguồn thu từ quảng cáo trong tổng doanh thu của các báo điện tử đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn thu từ độc giả lại đang theo chiều hướng tăng lên.
Người dùng đang có xu hướng quay trở lại với thói quen đọc báo trả tiền. Lượng người chấp nhận trả tiền khi đọc báo online tăng trưởng với tỷ lệ 15% mỗi năm và xu thế này vẫn còn đang tiếp tục.
Xét trên bình diện toàn cầu, chỉ 13,4 triệu người chấp nhận trả tiền để đọc báo qua mạng vào năm 2014. Tuy nhiên đến năm 2019, con số này đã là 41,3 triệu người. Tại Việt Nam, hiện đã có một số cơ quan báo chí thu phí người đọc báo điện tử, tuy vậy, số lượng này vẫn còn rất nhỏ.
Cái khó của việc triển khai thu phí người đọc báo online nằm ở thói quen tiếp nhận thông tin miễn phí của người đọc. Bên cạnh đó, sự thiếu tôn trọng bản quyền lẫn nhau giữa các cơ quan báo chí cũng khiến việc bán nội dung của các toà soạn gặp nhiều khó khăn.
Một thách thức khác khi tiến hành thu phí người đọc báo online nằm ở công cụ thanh toán. Có một thực tế là không phải ai cũng có thể sử dụng các công cụ thanh toán online.
Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN, đề xuất cần cân đối lại tỷ lệ phân chia doanh thu giữa nhà mạng và cơ quan báo chí – Ảnh: THANH PHONG
Theo ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đơn vị này đã chọn tài khoản viễn thông làm công cụ thanh toán cho độc giả. Tuy vậy, tỷ lệ ăn chia nhà mạng áp đặt cho tờ báo của ông là 70 – 30. Trong đó, 70% doanh thu thuộc về nhà mạng, 30% thuộc về chủ sở hữu nội dung.
Với mức chia sẻ doanh thu này, các tòa soạn chắc chắn không thể trang trải được chi phí hoạt động. Do đó, việc cân đối lại tỷ lệ ăn chia là điều mà các tòa soạn báo và nhà mạng bắt buộc phải làm.
Để có thể kiếm tiền từ độc giả online, các cơ quan báo chí sẽ phải có tư duy như của một doanh nghiệp. Lúc này, bạn đọc chính là tài sản lớn nhất của cơ quan báo chí. Báo chí phải tôn trọng độc giả của mình giống như doanh nghiệp coi khách hàng là thượng đế.