Công chức Kho bạc Nhà nước tiếp nhận và kiểm soát chứng từ. Ảnh tư liệu |
Lợi ích đến từ quy trình liên thông chi đầu tư
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện liên thông 3 ứng dụng nghiệp vụ: Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) – Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) – Thanh toán điện tử đối với các khoản chi thường xuyên. Việc liên thông này đã mang lại kết quả quan trọng khi đáp ứng kịp thời và phục vụ tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đáp ứng lộ trình chuyển đổi số của Kho bạcQuy trình liên thông chi đầu tư được KBNN xây dựng từ năm 2023. Quy trình này tạo thuận lợi, hỗ trợ chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị sử dụng ngân sách chuyển chứng từ đến KBNN kiểm soát, thanh toán và đến ngân hàng bằng phương thức điện tử, đáp ứng lộ trình chuyển đổi số đối với công tác kiểm soát chi của KBNN, từng bước hướng đến kho bạc số vào năm 2030. |
Tiếp nối thành công này, KBNN đang triển khai thí điểm quy trình liên thông chi đầu tư giữa 4 ứng dụng: DVCTT – Hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua kho bạc (ĐTKB-GD) – Tabmis – Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐT-NH).
Quy trình liên thông chi đầu tư được xây dựng đảm bảo các chứng từ chi trong phạm vi liên thông được hoàn thiện, phê duyệt và ký số duy nhất tại hệ thống ĐTKB-GD, sau đó hệ thống tự đẩy các thông tin sang Tabmis và hệ thống TTĐT-NH để thanh toán với ngân hàng thương mại. Đồng thời, đảm bảo tự động hóa tối đa các bước xử lý trên chương trình, nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho đội ngũ công chức KBNN; chuẩn hóa dữ liệu của đơn vị sử dụng ngân sách khi lập và kiểm soát hồ sơ, chứng từ trên hệ thống ĐTKB-GD.
Các chứng từ chuyển sang Tabmis được áp thanh toán tự động trước giờ COT (thời hạn cuối cùng trong ngày để hạch toán lệnh chuyển tiền đi của khách hàng) được chuyển sang hệ thống TTĐT-NH trong ngày làm việc để chuyển đi thanh toán với các ngân hàng. Các chứng từ chuyển sang Tabmis và được áp thanh toán sau thời điểm COT được mặc định áp thanh toán vào ngày làm việc tiếp theo và được chuyển sang hệ thống TTĐT-NH để chuyển đi thanh toán với các ngân hàng vào ngày làm việc tiếp theo.
Kết quả tích cực đến từ việc thí điểm
Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai quy trình liên thông chi đầu tư trong toàn hệ thống, KBNN đã thực hiện thí điểm tại Sở Giao dịch KBNN và 2 đơn vị KBNN là Hà Nội và Hải Dương từ tháng 9/2024.
Tại Sở Giao dịch KBNN thực hiện thí điểm tại 2 phòng kiểm soát chi; tại KBNN Hà Nội thí điểm tại văn phòng và 4 đơn vị KBNN quận, huyện, thị xã; tại KBNN Hải Dương thí điểm tại phòng kiểm soát chi và 11 KBNN huyện, thị xã, thành phố. Việc thí điểm được thực hiện đăng ký liên thông đối với các dự án đơn giản, sau khi thanh toán thành công tiếp tục mở rộng đăng ký liên thông các dự án có hồ sơ, chứng từ phức tạp hơn.
Theo đánh giá từ KBNN, việc thí điểm liên thông chi đầu tư đã giảm thiểu thời gian thao tác trên các chương trình nghiệp vụ do giao dịch viên không phải xử lý nghiệp vụ trùng lặp trên nhiều hệ thống ứng dụng khác nhau. Vì thế, đã tránh được sai sót khi nhập liệu thủ công, đồng thời không phải trình hồ sơ qua nhiều vòng từ giao dịch viên qua cấp kiểm soát và cấp phê duyệt theo từng chương trình ứng dụng riêng do chỉ cần làm 1 lần. Do đó, giao dịch viên có điều kiện về thời gian để kiểm soát các khoản chi một cách chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.
Quy trình liên thông chi đầu tư cũng giúp cho công tác báo cáo cập nhật kịp thời và chính xác số liệu thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua KBNN để phục vụ các cấp chính quyền và cơ quan tài chính trong quá trình điều hành ngân sách.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá từ KBNN, qua triển khai thí điểm quy trình liên thông đối với chứng từ chi đầu tư cũng vẫn còn một số hạn chế như tỷ lệ chứng từ lỗi vẫn còn (chiếm khoảng 2% tổng số chứng từ thanh toán liên thông); một số thời điểm, giao diện giữa các ứng dụng còn chậm.
Hơn nữa, quy trình thí điểm liên thông chi đầu tư chưa áp dụng với hồ sơ kiểm soát chi với chứng từ giao diện sang nhiều phân hệ trong Tabmis mà mới chỉ áp dụng với chứng từ trên phân hệ quản lý chi. Vì vậy, các giao dịch viên vẫn phải hoàn thiện thủ công phần nộp thuế trên phân hệ sổ cái…
Triển khai chương trình liên thông chi đầu tư là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của KBNN nhằm hướng đến xây dựng kho bạc số theo Chiến lược Phát triển đến năm 2030, đó là: KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử, liên thông dữ liệu. Dự kiến năm nay, KBNN sẽ triển khai diện rộng quy trình này trong toàn hệ thống.
Theo đó, từ kết quả bước đầu triển khai thí điểm, KBNN giao Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế toán Nhà nước và Vụ Kiểm soát chi tiếp tục phối hợp với nhà thầu khắc phục triệt để các lỗi và vướng mắc phát sinh, hoàn thiện nâng cấp chương trình ĐTKB-GD, Tabmis, TTĐT-NH; kiểm thử việc nâng cấp khắc phục lỗi và hoàn thiện chức năng, quy trình liên thông chi đầu tư, đảm bảo hoạt động ổn định, giao diện thông suốt giữa các chương trình; tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cán bộ công chức làm công tác kiểm soát chi trên toàn quốc./.