Thủ tướng Chính phủ tham dự diễn đàn để lắng nghe kiến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp công nghệ – Ảnh: P. PHONG
Có chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là sự kiện khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam thành cường quốc công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khai mạc diễn đàn.
Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam
“Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn này thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của cá nhân Thủ tướng với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, công nghệ chính là câu trả lời cho câu hỏi đâu là giải pháp để tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, đưa Việt Nam thành nước phát triển.
“Cuộc cách mạng số và đặc biệt là sự phát triển mới của nó – cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.
Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu”, ông Hùng phát biểu.
“Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khai mạc diễn đàn – Ảnh: P. PHONG
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu:
Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh.
“Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1”, Bộ trưởng khẳng định và thẳng thắn thừa nhận: “Muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường có lẽ là quan trọng nhất. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất của một quốc gia, nếu chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể để sinh ra các công ty công nghệ”.
“Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia – Digital Vietnam, nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số. Đổi mới sáng tạo diễn ra thuận lợi nhất là trong môi trường số. Bởi vậy mà chuyển đổi số được coi là tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cần một Quỹ toàn dân đầu tư để phát triển công nghệ
“Chúng ta cũng cần một quỹ để phát triển công nghệ Việt Nam. Sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn khi đây là một quỹ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu” – Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông đề xuất như vậy.
Ông Hùng cho rằng Việt Nam cường thịnh là khát vọng toàn dân và Quỹ phát triển công nghệ Việt Nam là để hiện thực hóa khát vọng đó.
Đồng thời, ông Hùng cũng khẳng định vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – những start-ups.
“Chính phủ sẽ xem xét việc tạo điều kiện để phát triển một số tập đoàn công nghệ lớn” – ông Hùng nói.
Đặc biệt, ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, lần đầu tiên chúng ta cũng đề xuất một số giải pháp về tạo thêm thách thức để doanh nghiệp phát triển.
“Trong không ít trường hợp, khó khăn và thách thức lại là nhân tố chính tạo lên những doanh nghiệp hàng đầu. Diễn đàn sẽ đề xuất việc Chính phủ đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho các sản phẩm Việt Nam, để từ đây các doanh nghiệp buộc phải đổi mới công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.