Hoàn tất mở rộng nhà ga 2 sân bay lớn nhất nước trong năm tới
Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án mở rộng nhà ga sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được tiến hành, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm sau. Trong khi đó, sân bay Đà Nẵng đang được xem xét quy hoạch để mở rộng thời gian tới.
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã gửi chất vấn Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình trạng các sân bay cửa ngõ lớn bị quá tải, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia nên cần sớm được nghiên cứu đầu tư mở rộng.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ GTVT thừa nhận, thời gian qua có tình trạng quá tải tại một số sân bay cửa ngõ lớn, như Nội Bài – Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất – TPHCM. Tình trạng này do đường cất hạ cánh xuống cấp, nhà ga hành khách chưa đáp ứng công suất khai thác, hệ thống giao thông kết nối ngoại cảng chưa đáp ứng, gây ùn tắc tại cửa ngõ sân bay.
Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2024.
|
Để giảm ùn tắc các sân bay cửa ngõ, năm 2020-2022, Bộ GTVT đã tiến hành nâng cấp đường cất/hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất (hơn 4.000 tỷ đồng) và đã đưa vào khai thác.
Cùng đó, dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – sân bay Tân Sơn Nhất đã khởi công, với quy mô phục vụ 20 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất sân bay này lên 50 triệu khách/năm. Dự kiến nhà ga T3 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024. Dự án nhà ga T3 có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, từ vốn của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV).
Bên cạnh đó, với sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đang tiến hành xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa, cải tạo đường Cộng Hòa để giảm ùn tắc khu vực trước cổng sân bay. Dự kiến công trình này cũng hoàn thành vào năm 2024, đồng bộ với đưa vào sử dụng nhà ga T3 mới.
Với sân bay Nội Bài, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 (quốc tế) cũng đang xây dựng, với công suất thiết kế thêm 5 triệu khách/năm, nâng tổng công suất nhà ga sân bay Nội Bài lên 30 triệu hành khách/năm. Dự kiến, nhà ga T2 mở rộng cũng hoàn thành vào năm 2024. Tổng mức đầu tư dự án gần 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV.
Với sân bay Đà Nẵng, Bộ GTVT cho biết ACV đã chuẩn bị nguồn lực, dự kiến giai đoạn từ nay tới năm 2025 sẽ mở rộng nhà ga hành khách T1, xây dựng nhà ga hành khách T3.
Về định hướng xa hơn, Bộ GTVT cho hay, sân bay Nội Bài đang được nghiên cứu lập quy hoạch mở rộng, để tăng công suất lên 100 triệu hành khách/năm. Dự án lập quy hoạch này được nghiên cứu từ năm 2020, tới nay đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến quy hoạch sẽ được trình cấp thẩm quyền phê duyệt vào năm 2024.
Sân bay Đà Nẵng, tư vấn trong nước đã tiến hành nghiên cứu lập quy hoạch, cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, để đảm bảo quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, phù hợp xu hướng thế giới, Chính phủ Úc đã tài trợ kinh phí để thuê tư vấn nước ngoài rà soát, đánh giá lại quy hoạch và đưa ra khuyến nghị. Dự kiến quy hoạch này cũng được trình phê duyệt trong năm 2024.
Bên cạnh đó, theo Bộ GTVT, một số sân bay trong khu vực đầu mối Hà Nội và TPHCM cũng được tiến hành triển khai, để giảm tải cho các sân bay hiện hữu. Cụ thể, sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, công suất 25 triệu khách/năm, để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Khu vực Đà Nẵng đã hoàn thành nhà ga T2 sân bay Phú Bài (Huế), với công suất 5 triệu hành khách/năm.
Khu vực Hà Nội đã xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi (Hải Phòng), với công suất 5 triệu hành khách/năm. Cùng đó, đang tiến hành nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.
“Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, tình trạng quá tải tại các cảng hàng không lớn đang từng bước được cải thiện đáng kể”, Bộ GTVT đánh giá.
Lê Hữu Việt