Chỉ đạo được đưa ra tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình thị trường bất động sản, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến phát triển nhà ở xã hội.
Ghi nhận tại Hà Nội, nhiều dự án tái định cư nằm trên vị trí “đất vàng”, được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng, xây xong rồi đóng cửa, bỏ trống cả thập kỷ dẫn đến xuống cấp, hư hỏng.
Điển hình như dự án trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, có mức đầu tư 223 tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2010. Đến nay, sau hơn 10 năm, công trình vẫn trong cảnh “đắp chiếu”, bỏ không, vắng bóng người.

Hay dự án tại khu đô thị Sài Đồng, dự án trên đường Lý Sơn (quận Long Biên) có hạ tầng giao thông thuận tiện cũng nằm phơi sương, phơi nắng nhiều năm nay. Hoặc như dự án có “view triệu đô” nhìn thẳng ra hồ Đền Lừ tại khu tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai)…
Ngay dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư như khu X2, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), dù đã hoàn thành 5 năm nhưng đến nay mới có khoảng 80/750 căn hộ có người ở. Phần lớn còn lại bị bỏ trống, gây lãng phí.
Tại TPHCM, cũng có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng đây là giải pháp hợp lý, xuất phát từ nhu cầu thực tế hiện nay.
Theo ông Châu, phương án chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội đã được TPHCM tính toán cách đây nhiều năm, nhưng do Luật Nhà ở 2014 chưa có quy định nên thiếu căn cứ pháp lý.
“Đến nay, Luật Nhà ở 2023 mới đã quy định cụ thể về nhà ở tái định cư trên nhiều vấn đề, từ việc phát triển, bố trí nhà tái định cư đến quản lý chất lượng và chuyển đổi công năng nên việc thực hiện không còn vướng mắc.

“Thực tế, tại nhiều dự án tái định cư, người dân không nhận là vì khu vực đó thiếu tiện ích dịch vụ và kết nối giao thông chưa thuận lợi. Điều kiện để chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội là phải đảm bảo cư dân ở đó được đi lại thuận tiện, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ. Thành phố cần nỗ lực để bổ sung dịch vụ, tiện ích và kết nối giao thông”, ông Châu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, chia sẻ, trong vai trò luật sư từng tham gia hàng chục vụ việc hỗ trợ người dân bị thu hồi đất, ông từng gặp những người quyết từ chối nhận nhà tái định cư vì ở quá xa nơi làm việc, không có trường học, không có sinh hoạt cộng đồng.
“Họ chấp nhận thuê nhà, sống chật vật nhưng giữ được sinh kế. Điều đó cho thấy, một căn hộ đạt chuẩn kỹ thuật chưa chắc đã đạt chuẩn cuộc sống”, ông Tú nói và cho rằng xây nhà chỉ là bước đầu tiên.
Một công trình vắng người ở, không có ánh đèn, không tiếng trẻ chơi, thì dù có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng vẫn là một thất bại về mặt xã hội. Do đó, xây nhà tái định cư không phải là hoàn thành trách nhiệm mà chỉ là bước đầu tiên của một chính sách an cư”, ông Tú nói.

Nhiều dự án tái định cư án ngữ trên “đất vàng” Hà Nội, được đầu tư với quy mô hàng nghìn tỷ đồng xây xong rồi đóng cửa, bỏ trống cả thập kỷ xuống cấp, hư hỏng.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 9 dự án tái định cư với gần 2.500 căn hộ. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bố trí tái định cư và 7 dự án đang thi công xây dựng.

Dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2, quận Hoàng Mai (Hà Nội) có 750 căn hộ. Sau 5 năm hoàn thành, dự án chỉ có gần 80 căn hộ có người ở.