Vietnam Airlines lỗ gần 2,300 tỷ trong quý 3/2023, nợ ngắn hạn gần 60,000 tỷ
Gần 4 năm qua, các cổ đông Vietnam Airlines (HOSE: HVN) vẫn chưa một lần nếm trải niềm vui có lãi. Đến nay, lỗ luỹ kế của hãng hàng không quốc gia đã lên gần 38,000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 14 ngàn tỷ.
Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines từ quý 1/2020 | ||
|
Quý 3/2023, hãng hàng không với biểu tượng sen vàng ghi nhận doanh thu thuần gần 23.6 ngàn tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong khi đó lãi gộp gấp 7.5 lần cùng kỳ, đạt 1,240 tỷ đồng. Đây là tích hiệu tích cực hiếm hoi trong bức tranh kinh doanh của hãng hàng không quốc gia, nhưng chưa đủ để bù đắp toàn bộ chi phí của hãng.
Trong giai đoạn này, các khoản chi phí đều tăng mạnh. Đáng kể nhất là khoản chi phí tài chính tăng 24% lên gần 1,900 tỷ đồng, trong đó phần lớn là lỗ tỷ giá và lãi tiền vay. Còn chi phí bán hàng cũng tăng 61% lên gần 1,400 tỷ đồng.
Kết quả, hãng hàng không quốc gia lỗ ròng gần 2,300 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 15 liên tiếp. Như vậy có nghĩa, đã gần 4 năm qua, các cổ đông của Vietnam Airlines chưa hề biết đến niềm vui có lãi.
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của Vietnam Airlines
Đvt: Tỷ đồng
|
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần gần 67.6 ngàn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Nhưng lỗ ròng hơn 3.7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 7.8 ngàn tỷ của cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giảm lỗ khó lòng làm hài lòng nhà đầu tư sau quá nhiều năm “gồng lỗ”.
Trong báo cáo gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ hơn 4,500 tỷ đồng trong năm 2023.
Bấp bênh tài chính, vốn chủ sở hữu âm gần 14 ngàn tỷ
Bên cạnh kết quả kinh doanh ảm đạm, cổ đông cũng phiền muộn với tình hình tài chính bấp bênh của hãng hàng không quốc gia.
Tại tới cuối tháng 9/2023, Vietnam Airlines sở hữu 15.4 ngàn tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn gần 3.9 ngàn tỷ. Phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở khoản phải thu và hàng tồn kho, ở mức tương ứng hơn 5.8 ngàn tỷ và hơn 4 ngàn tỷ.
Ở bên đối ứng, nợ ngắn hạn lên 59.8 ngàn tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn hơn 17.3 ngàn tỷ đồng.
Cuối quý 3/2023, lỗ luỹ kế lên gần 38 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 14 ngàn tỷ.
Chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022 và chưa tổ chức đại hội
Bên cạnh báo cáo quý 3, giới đầu tư còn mong chờ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 từ hãng hàng không quốc gia. Nếu sau kiểm toán,Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022, Công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trước đó, chính hãng hàng không này cũng thừa nhận nhiều khả năng cổ phiếu HVN sẽ rời sàn HOSE.
* Vietnam Airlines: Nguy cơ hủy niêm yết rất cao, đang làm việc với Văn phòng Chính phủ về cổ phiếu HVN
Chưa hết, Vietnam Airlines cũng chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 sau nhiều lần dời thời điểm tổ chức. Trong lần gần nhất, hãng này dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào ngày 22/11.
Vũ Hạo