Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chờ sàn giao dịch thứ cấp!
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến ngay trong tháng 7-2023, sàn giao dịch thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ sẽ được đưa vào vận hành.
Trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: TTXVN
|
Chuyển biến sau Nghị định 08
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5-3-2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong nước và quốc tế, thị trường TPDN bắt đầu có dấu hiệu hồi phục sau thời gian dài “đóng băng”.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, kể từ khi Nghị định 08/2023 được ban hành, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được 26.400 tỉ đồng trái phiếu ra thị trường, trong khi giai đoạn từ cuối năm 2022 và hai tháng đầu năm 2023 không có trái phiếu nào được phát hành. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đàm phán thành công với các trái chủ trong xử lý vướng mắc về thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Tổng hợp của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết tính đến ngày 23-5-2023, có trên 30 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn TPDN với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Điển hình như CTCP Hưng Thịnh Land được điều chỉnh thời gian mua lại trái phiếu trước hạn chậm hơn ngày 20-4-2023 so với thỏa thuận trước đó. Hay như tập đoàn Sovico được giãn thời gian đáo hạn sáu lô trái phiếu riêng lẻ từ 36 tháng lên 60 tháng, tức là thay vì thực hiện vào tháng 6 và tháng 7-2023 thì sẽ kéo dài đến tháng 6 và tháng 7-2025. CTCP Đầu tư An Khải Hưng và CTCP Đầu tư Ngôi sao Gia Định cũng được các trái chủ đồng ý gia hạn thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu theo từng đợt, trong đó An Khải Hưng được giãn đến tháng 8-2023, còn Đầu tư Ngôi sao Gia Định được giãn tới ngày 10-5-2024…
Trong khi đó, CTCP Thái Sơn – Long An đã đẩy nhanh được tiến trình thanh toán nợ trái phiếu đến hạn khi chiều ngày 31-5-2023, tức là sau bốn ngày thông báo chậm thanh toán, doanh nghiệp này đã thanh toán tổng cộng khoảng 668,7 tỉ đồng lãi của hai lô trái phiếu phát hành vào cuối năm 2021 và đáo hạn vào cuối năm 2029 với mục đích đầu tư dự án Khu thương mại, biệt thự và chung cư cao cấp tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An quy mô 267 héc ta.
Việc nhà phát hành và trái chủ đạt được thỏa thuận gia hạn nợ, mua lại trái phiếu trước hạn vào thời điểm này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho toàn thị trường. Về phía nhà phát hành, điều này giúp giảm bớt sức ép nợ đến hạn, tạo điều kiện tìm kiếm các phương án kinh doanh, các giải pháp về nguồn vốn… để cải thiện tình hình tài chính, vượt qua khó khăn hiện tại. Với trái chủ, cách làm này cung cấp thêm cơ sở để có phương án hành động cụ thể, tránh trường hợp đồng loạt yêu cầu thanh toán hoặc bán tháo trái phiếu, gây thiệt hại kinh tế cho các bên cũng như làm trầm trọng hơn tình hình hiện tại, khi nhà phát hành đã rơi vào tình trạng gián đoạn thanh khoản và không thể đáp ứng tất cả nghĩa vụ nợ cùng lúc.
Kỳ vọng sớm khởi sắc!
Ước tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn khoảng 68.000 tỉ đồng (tăng 62,4% so với cùng kỳ năm 2022), chưa kể trái phiếu đến hạn thanh toán. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong phần còn lại của năm 2023 ước tính khoảng 200.000 tỉ đồng, trong đó hơn một nửa thuộc về nhóm bất động sản. Riêng trong tháng 6-2023, ước tính có hơn 35.500 tỉ đồng TPDN riêng lẻ sẽ đáo hạn, tăng gấp đôi so với tháng 5 và cũng là tháng đỉnh điểm giá trị trái phiếu đáo hạn so với các tháng còn lại trong năm. Mặc dù vậy, hiện vẫn có những cơ sở để kỳ vọng thị trường TPDN sẽ dần khởi sắc trở lại trong thời gian tới.
Thứ nhất, Chính phủ vẫn đang theo dõi sát sao và đẩy mạnh gỡ vướng cho thị trường TPDN. Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn, hai Nghị định 65/2022/NĐ-CP và 08/2023/NĐ-CP đã được ban hành kịp thời giúp các nhà phát hành trái phiếu, trái chủ có điều kiện và công cụ pháp lý để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản bảo đảm… dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Thứ hai, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến ngay trong tháng 7-2023, sàn giao dịch thứ cấp cho TPDN phát hành riêng lẻ sẽ được đưa vào vận hành. Theo đó, nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu có thể bán công khai qua đây, từ đó kỳ vọng sẽ đưa thị trường trái phiếu riêng lẻ vào khuôn khổ. Khi thị trường vận hành, công ty chứng khoán thành viên sẽ kiểm soát tốt thành phần nhà đầu tư tham gia thị trường, đúng nghĩa là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp cũng sẽ tăng minh bạch cho TPDN và tăng tiếp cận từ đơn vị phát hành tới nhà đầu tư để nâng chất lượng thanh toán, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Song song đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc thị trường theo lộ trình Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) tổ chức giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ còn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức giao dịch trái phiếu và phái sinh.
Trên thực tế, thị trường đang dần được “hâm nóng” lại nhờ một số đợt phát hành TPDN gần đây.
Trong ngày cuối cùng của tháng 5-2023, Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đã phát hành thành công bốn lô trái phiếu với tổng mệnh giá 2.600 tỉ đồng. Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào ngày 25-5-2028.
Một số doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu trở lại trong tháng 6 này. Đơn cử, theo nghị quyết mới công bố, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC, mã BCM) dự kiến phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, kỳ hạn không quá hai năm kể từ ngày phát hành. Trái chủ sẽ được trả lãi suất 13%/năm trong bốn kỳ tính lãi đầu tiên.
Hy vọng với những giải pháp rốt ráo từ Chính phủ, kênh TPDN sẽ sớm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, qua đó đúng nghĩa trở thành một trong những kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp.
Đăng Linh